Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Những mối tình trong lửa đạn

Thứ hai - 30/12/2019 05:58
Lớp người đi qua cuộc chiến tranh chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước luôn mang trong mình những tình yêu vĩ đại với Tổ quốc, với dân tộc. Họ lên đường đi chiến đấu với hoài bão hướng về ngày mai chiến thắng, cuộc sống tươi đẹp và phồn vinh.
Những mối tình trong lửa đạn

Lớp người đi qua cuộc chiến tranh chính nghĩa chống Mỹ, cứu nước luôn mang trong mình những tình yêu vĩ đại với Tổ quốc, với dân tộc. Họ lên đường đi chiến đấu với hoài bão hướng về ngày mai chiến thắng, cuộc sống tươi đẹp và phồn vinh. Mang trong mình tình yêu dân tộc, yêu quê hương và có cả những tình yêu lứa đôi được ươm mầm từ trong lửa đạn. Vượt lên tất cả mọi ác liệt hy sinh, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã đến với nhau xây đắp nên những mối tình đẹp đẽ trước mũi súng quân thù.

 

Cùng những cựu chiến binh Trung đoàn 10 (E10) Ngô Quyền về thăm chiến trường xưa trên địa bàn Phú Yên, tôi được nghe kể về những mối tình sâu đậm, lãng mạn, nên hoặc không nên vợ chồng của lứa đôi thời chống Mỹ. Những câu chuyện bi thương làm ứa nước mắt cả người kể lẫn người nghe.

 

Mẹ Phú Yên đùm bọc con Hải Dương

 

Sau giải phóng, vợ chồng ông Truyền, bà Phượng ra miền Bắc, chuyển công tác và sinh thêm một người con. Bây giờ ông bà đang sinh sống tại quận 2, TP Hồ Chí Minh bên con cháu. Ông bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tạo niềm vui cho tuổi già. Ngoài câu chuyện tình của ông Truyền, các cựu chiến binh còn nhắc nhiều về những mối tình đẹp, nên duyên giữa trai Hải Dương, gái Phú Yên và ngược lại. Như vợ chồng ông Vũ Quốc Hội bà Ngô Thị Hồng Lan, ông Nguyễn Văn Đỗ bà Vũ Thị Sửu...

Trên chuyến xe về chiến trường xưa của E10, có gia đình ông Nguyễn Thế Truyền và bà Đặng Thị Xuân Phượng cùng con trai Nguyễn Thế Thanh. Họ là kết quả của tình yêu giữa người con trai quê Hải Dương với người con gái Phú Yên, được ươm mầm từ chiến tranh trên mảnh đất Phú Yên.

 

Ông Truyền sinh năm 1944, tại xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tháng 2/1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông nhập ngũ và cuối tháng 4/1963 theo đoàn quân nam tiến vào Phú Yên thực hiện lý tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đến chiến trường mang theo hành trang của một y tá với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, ông làm trạm trưởng trạm phẫu tiền phương của E10.

 

Ông theo đơn vị chiến đấu, gắn bó với nhân dân Phú Yên từ 1965 đến cuối năm 1968, cứu chữa cho hàng nghìn lượt thương bệnh binh. Đồng thời cũng đau đớn chứng kiến hàng nghìn lượt đồng chí, đồng bào ngã xuống vì bom đạn, bệnh tật, thiên tai và đói khát.

 

Ông Truyền kể rằng từ năm 1960, thanh thiếu niên Hải Dương được giáo dục, xây dựng tình cảm cách mạng, tình cảm với Phú Yên qua văn thơ. Ông nhớ, cô Thuần, giáo viên lớp 5 của Trường cấp 1, 2 Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương giao ông đọc khổ thơ: “Từ trong khói lửa đạn bom rơi/ Phú Yên đau thương gửi mấy lời/ Đến với Hải Dương người anh cả/ Cùng mẹ kết nghĩa nở sinh đôi…”.

 

Khi đặt chân đến đất Phú Yên giữa chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm bề. Ông và đồng đội được sống trong sự che chở, chăm sóc đặc biệt của nhân dân. Một sự ưu ái, nhường nhịn, đầy thương yêu, hết sức cảm động dành cho Giải phóng quân.

 

“Tôi không biết dùng từ nào để diễn đạt thứ tình cảm tuyệt vời mà người dân Phú Yên đã dành cho bộ đội chúng tôi. Mọi sự ưu tiên các má đều dành cho các con Giải phóng quân để đêm nay, ngày mai đi đánh giặc. Các má nói rằng tụi nó ở ngoài Bắc mới vào khổ lắm, phải ưu tiên nhiều hơn”, ông Truyền tâm sự.

 

Những lá thư tình trong chiến tranh giữa trai Hải Dương, gái Phú Yên và ngược lại. Ảnh: CTV

 

Vượt lên lửa đạn

 

Những tình cảm đó của người dân Phú Yên làm cho ông Truyền không thể nào quên. Trong quá trình công tác, ông đã gặp và yêu người con gái Phú Yên tên Đặng Thị Xuân Phượng.

 

Bà Đặng Thị Xuân Phượng sinh năm 1949, tại xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân. 14 tuổi, bà tham gia du kích, tháng 2/1966 được tuyển vào bộ đội, học lớp y tá, biên chế vào đội phẫu của E10. “Dù tôi và anh Truyền có tình cảm với nhau, nhưng trong chiến tranh kỷ luật rất nghiêm khắc nên chúng tôi không dám thổ lộ, mà chỉ lén nhìn trộm nhau”, bà Phượng kể.

 

Bà Phượng và ông Truyền đến được với nhau là do cái duyên trời định và vun đắp. Trong kháng chiến, ở trên núi nam nhiều, nữ ít nên chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của các anh. Rất nhiều người đẹp trai, có chức quyền để ý đến bà, nhưng bà bén duyên với ông Truyền.

 

Cuối năm 1968, E10 được lệnh rời Phú Yên vào miền Đông Nam Bộ, mang cả mối tình của những người lính bước theo chiều dài của chiến tranh. Đầu năm 1970, ông Truyền được phân công đi học lớp cao cấp quân y, lớp học trên đất Campuchia, bà Phượng tiếp tục công tác tại Cục Hậu cần, B2 miền Đông Nam Bộ. Sau 3 năm biệt tin nhau, cuối năm 1972, ông Truyền về làm Trạm trưởng Trạm phẫu tại Đoàn 320, Mặt trận B2. Được tin bà Phượng cũng có ở đây, ông Truyền tìm gặp bà. Được sự tác thành của thủ trưởng đơn vị, tháng 3/1973, đám cưới của ông bà diễn ra giữa núi rừng Campuchia, với sự chúc phúc của đồng đội Việt Nam và đồng bào nước bạn Campuchia. Đến tháng 12/1973, bà Phượng hạ sinh con trai đầu lòng Nguyễn Thế Thanh ở giữa khu rừng Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ông Truyền cao hứng đọc: “Cha mẹ sinh con nơi biên giới rừng già/ Tiếng khóc chào đời sặc khói đạn bom/ Cha đặt tên con Thanh - Bình theo đất nước/ Dẫu chiến tranh sự sống vẫn vuông tròn” (đứa con thứ hai, ông Truyền đặt tên Bình - PV).

 

Tôi hỏi bà Phượng: Khi sinh con, làm thế nào cô vừa công tác, vừa nuôi con trong rừng? Thay câu trả lời của tôi, bà Phượng đọc: “Suốt cả chặng đường tiền tuyến - hậu phương/ Mẹ vẫn bồng con lên đường đi đánh giặc”. Rồi bà Phượng nói tiếp: Giờ kể lại thì đơn giải vậy, chứ hồi đó cực khổ lắm. Phụ nữ nuôi con đã khổ rồi, nuôi con trong chiến tranh càng khổ hơn nhiều. Có người bạn cùng đơn vị với tôi cũng có đứa con sinh cùng thời gian với Thanh nhà tôi. Khi sinh ra sợ cháu khóc lộ bí mật, mẹ cháu quấn chặt mền lại. Đến khi mở ra thì nó đã chết. Thằng Thanh nhà tôi tham gia đánh Mỹ từ trong bụng mẹ, trải qua không biết bao lần chết hụt. Đến ngày giải phóng cả, gia đình dắt díu nhau về quê nội Hải Dương mới tin con mình vẫn còn sống.

 

Cùng ngồi trên chuyến xe về thăm chiến trường xưa của các cựu chiến binh E10, ông Lưu Công Thục nói vui: Anh Truyền là người lời nhất trong khi đi đánh giặc. Nhiều đồng đội đi là mất luôn, còn anh thì đi một về ba, lại còn cưới được người con gái Phú Yên xinh đẹp nữa. Cùng ngồi trên xe, cựu chiến binh Phạm Trung Mạo người Hải Dương tiếp lời: Anh ba Thục cũng nào thua kém gì, cũng cưới được vợ Phú Yên, con cháu đề huề, còn thắc mắc gì nữa?

 

Chuyến xe đưa các cựu chiến binh E10 về nhiều nơi trước đây là chiến trường xưa của họ. Chợ Tuy Hòa, xóm Đạo, phường 8, núi Nhạn…, nơi trước đây nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; dốc Bà Ềnh (huyện Tuy An), ấp Bắc Lý, Hội trường Mùa Xuân (huyện Sơn Hòa), thành An Thổ (huyện Tuy An)…, nơi diễn ra những trận chiến đấu vô cùng oanh liệt của bộ đội ta và chiến sĩ E10. Hàng nghìn người con từ miền Bắc, từ Hải Dương đã ra đi và lấy Phú Yên làm nơi yên nghỉ. Đi đến đâu, những kỷ niệm thời lửa đạn ùa về, dâng lên những bó hoa tươi thắm, thành kính nhớ về những người má hết lòng vì các con, những đồng đội thân yêu đã nằm xuống ở tuổi hai mươi để đất nước có ngày hòa bình như ngày hôm nay. Những ai trải qua chiến tranh mới thấu hiểu sâu sắc giá trị cao quý của hòa bình.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp