Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Hòa Thịnh ngày ấy - bây giờ

Thứ bảy - 21/12/2019 21:53
Cách đây 45 năm, ngày 22/12/1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy Hòa 1, nhân dân xã Hòa Thịnh đã đứng lên làm cuộc đồng khởi, đập tan bộ máy ngụy quyền, thiết lập chính quyền tự quản cách mạng.
Hòa Thịnh ngày ấy - bây giờ

Cách đây 45 năm, ngày 22/12/1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Phú Yên và Huyện ủy Tuy Hòa 1, nhân dân xã Hòa Thịnh đã đứng lên làm cuộc đồng khởi, đập tan bộ máy ngụy quyền, thiết lập chính quyền tự quản cách mạng.

 

Đây là bước khởi đầu quan trọng cho phong trào cách mạng vùng nông thôn đồng bằng Phú Yên, làm rúng động chính quyền Mỹ - Diệm, tạo cơ sở cho nhân dân toàn tỉnh đẩy mạnh và phát triển phong trào đấu tranh cách mạng, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, mở đầu cho phong trào giải phóng các tỉnh đồng bằng Khu 5.

 

Cùng với Bến Tre, Trà Bồng, Đồng khởi Hòa Thịnh đã đi vào lịch sử Phú Yên và lịch sử dân tộc, là niềm tự hào lớn về truyền thống đấu tranh cách mạng với tinh thần dũng cảm, mưu trí sáng tạo của nhân dân Hòa Thịnh dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng.

 

Ngọn lửa ngời sáng cùng thời gian

 

Là nhân chứng quan trọng của cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh, đồng chí Dương Dụ (xã Hòa Mỹ Đông, huyện Đông Hòa) - một trong năm cán bộ vũ trang được tỉnh chi viện cho đồng khởi, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, nhớ lại: Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng mới, đầu năm 1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới là “khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”, “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập, dân chủ và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”.

 

Sau khi học tập và quán triệt Nghị quyết 15, phong trào cách mạng ở huyện Tuy Hòa 1 có những chuyển biến tích cực. Tại Sài Gòn, ngày 11/11/1960, Nguyễn Chánh Thi và các cộng sự làm cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm. Chớp thời cơ này, Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy Tuy Hòa 1, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

 

Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, chi bộ Đảng và nhân dân Hòa Thịnh khẩn trương tiến hành đẩy mạnh công tác rút thanh niên đưa ra vùng căn cứ, tổ chức một đợt vận động sâu rộng đến từng gia đình, từng người dân trong xã (và các xã lân cận); đồng thời đưa cơ sở nội tuyến bắt mối vận động, lôi kéo lực lượng dân vệ, phân hóa cao độ kẻ thù. Đúng 19 giờ ngày 22/12/1960, cuộc đồng khởi bắt đầu diễn ra.

 

Đông đảo quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang của huyện với vũ khí được trang bị gồm 4 súng tiểu liên, 1 carbin, 6 súng ngắn cùng gậy gộc, dây thừng… vừa tấn công, vừa nổi dậy truy bắt bọn tề ngụy, nhanh chóng xóa bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng.

 

Tại buổi mít tinh mừng thắng lợi, chính quyền cách mạng đưa một số tên ác ôn, tề ngụy ra cảnh cáo trước dân. Bọn chúng run sợ nhận tội và xin khoan hồng, tự nguyện giao nộp toàn bộ vũ khí, tài liệu, đồng thời hứa từ bỏ hành động phản cách mạng. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh được Khu ủy Khu 5 đánh giá “là điểm mở đầu cho phong trào giải phóng các tỉnh đồng bằng Khu 5”.

 

Theo đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, việc Tỉnh ủy đã chỉ đạo Huyện ủy Tuy Hòa 1 chọn Hòa Thịnh làm cuộc đồng khởi là sự chọn lựa đúng đắn. Bởi Hòa Thịnh lúc bấy giờ không chỉ là xã có thực lực chính trị được chuẩn bị tốt mà còn là địa phương có địa hình ba bên bốn bề núi sông bao bọc, đường đi chủ yếu là đường mòn lại phải qua sông qua đò nhiều chặng, khá thuận lợi cho ta và bất lợi cho địch vì khó cơ động lực lượng ứng cứu. Như là người đi tiên phong cuộc đấu tranh vô cùng vẻ vang và oanh liệt giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngọn lửa Đồng khởi Hòa Thịnh mãi mãi ngời sáng cùng với thời gian.

 

Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng khởi Hòa Thịnh được khánh thành năm 2015. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Sức sống mới trên quê hương Đồng khởi

 

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Đồng khởi, sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Hòa Thịnh đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức xây dựng quê nhà ngày càng phát triển giàu đẹp, vững bước tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Đảng bộ xã Hòa Thịnh hiện có 17 chi bộ trực thuộc với 455 đảng viên. Đây là những hạt nhân lãnh đạo của quê hương Đồng khởi trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng nông thôn mới hiện nay. Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh Trần Quốc Sách phấn khởi cho biết: Năm 2019, lần đầu tiên Hòa Thịnh thu ngân sách xã gần 5,4 tỉ đồng, đạt 306,62% chỉ tiêu huyện giao và đạt 261,2% dự toán Nghị quyết HĐND xã.

 

Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh cây lúa (diện tích 2.137ha), người dân còn trồng bắp lai, mía, sắn, rau màu và thực phẩm các loại, năng suất ngày càng tăng. Về chăn nuôi, năm 2019, ngoài duy trì đàn bò trên dưới 1.900 con (trong đó, bò lai chiếm 89% tổng đàn), đàn trâu hơn 800 con, đàn heo 365 con, gia cầm 84.335 con…, người dân địa phương còn tận dụng các ao, bàu để nuôi cá nước ngọt với diện tích 2,5ha, sản lượng đánh bắt tự nhiên 40 tấn cá các loại, giá trị tương đương 2,75 tỉ đồng.

 

Một số cơ sở sản xuất công cụ cầm tay, xay xát lương thực, may gia công… quy mô nhỏ của tư nhân hoạt động khá hiệu quả. Giá trị sản xuất các ngành (năm 2019) đạt hơn 565 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, nông - lâm nghiệp 196,8 tỉ đồng, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng gần 143,5 tỉ đồng, thương mại - dịch vụ hơn 225 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người hơn 38 triệu đồng/năm; năm 2020 phấn đấu đạt 41 triệu đồng/người.

 

Có đến tận nơi mới tận mắt chứng kiến xứ Đồng Cọ nhiều muỗi, lắm đỉa, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn ngày nào đã trở thành xã nông thôn mới từ năm 2016. “Chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã được nâng lên theo yêu cầu kế hoạch đề ra.

 

Riêng trong năm 2019, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể đã vận động nhân dân đóng góp hơn 92 triệu đồng, lắp đặt 42 bóng đèn, thắp sáng 5 tuyến đường giao thông nông thôn. Đồng thời tiếp tục thực hiện bê tông 9,6km/13km (42 tuyến/83 tuyến) đường nông thôn với kinh phí hơn 6 tỉ đồng… Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng đã trồng 900 cây hoa chuông vàng trên các trục đường giao thông và công sở, góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

 

Ngoài ra, nhiều công trình đang tiếp tục được đầu tư xây dựng như: bê tông trục giao thông nội đồng với 6 tuyến dài 1,68km, giá trị dự toán hơn 32 triệu đồng và đã hoàn thành 70% khối lượng; các công trình nhà văn hóa, khu vui chơi trẻ em và các hạng mục phụ trợ, giá trị dự toán 843,6 triệu đồng; mái che phía đông và phía tây chợ Hòa Thịnh, dự toán 211,5 triệu đồng…”, đồng chí Đinh Phú Tân, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hòa Thịnh cho biết thêm.

 

Đến nay, Hòa Thịnh cơ bản xóa hết hộ đói, hộ nghèo chiếm 2,98% (101 hộ, trong đó có 59 hộ nghèo bảo trợ xã hội), năm 2020 phấn đấu giảm còn 1% theo tiêu chí mới. Có 1.020 đối tượng là người có công và bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Người dân tham gia bảo hiểm y tế hơn 93%. Trẻ em đúng độ tuổi đều được đến trường. Nước sạch sinh hoạt, điện lưới quốc gia được đưa đến từng nhà (99,4%). An ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn được giữ vững; quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường. Đêm đêm, ánh điện sáng bừng cả một vùng rộng lớn dưới chân núi Hòn Ông - nơi họp bàn Nghị quyết 15 chuẩn bị lực lượng vũ trang Đồng khởi Hòa Thịnh 59 năm trước.

 

XUÂN HIẾU

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp