Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Đại tá Nguyễn Phước: Gắn cuộc đời với binh nghiệp

Thứ sáu - 08/11/2019 05:11
Là người đã tham gia gần như trọn vẹn trận chiến 81 ngày đêm khói lửa lịch sử năm 1972 ở Thành cổ Quảng Trị; cùng đồng đội chiến đấu giải phóng đất nước, đến năm 1976, ông trở về quê hương và kinh qua nhiều vị trí công tác trong quân đội cho đến ngày nghỉ hưu.
Đại tá Nguyễn Phước: Gắn cuộc đời với binh nghiệp

Là người đã tham gia gần như trọn vẹn trận chiến 81 ngày đêm khói lửa lịch sử năm 1972 ở Thành cổ Quảng Trị; cùng đồng đội chiến đấu giải phóng đất nước, đến năm 1976, ông trở về quê hương và kinh qua nhiều vị trí công tác trong quân đội cho đến ngày nghỉ hưu.

 

Tôi bắt đầu câu chuyện với đại tá Nguyễn Phước tại nhà riêng của ông ở 297 Lê Lợi (phường 4, TP Tuy Hòa). Vốn dĩ là người khá kiệm lời, đặc biệt khi nói về mình, nhưng trước yêu cầu muốn biết về những hy sinh, cống hiến mà ông đã trải qua, ông Phước trải lòng về cuộc đời binh nghiệp mà ông gắn bó suốt gần 43 năm qua.

 

 

Đại tá Nguyễn Phước kể lại trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: KIM LIÊN

Những tháng ngày ác liệt

 

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông là liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Lầu (Nguyễn Dũng) - Tỉnh đội trưởng Phú Yên trong thời đánh Mỹ; mẹ là Nguyễn Thị Lá, thương binh hạng 4/4, từng là cơ sở cách mạng ở địa phương. Khi vừa tròn 15 tuổi, đang học lớp đệ tứ của Trường Bồ Đề (Tuy Hòa), tiếp bước cha anh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Phước tham gia cách mạng, được tổ chức phân công làm giao liên chuyển thư từ vùng căn cứ đến các thôn, xã và ngược lại.

 

Năm 1964, được tổ chức chọn vào làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Phú Yên (Vùng 1, xã An Lĩnh, huyện Tuy An), nhưng ông làm đơn xin gia nhập Quân giải phóng. Vì lúc này lòng căm thù giặc đang sục sôi trong ông sau khi người cha thương yêu mà ông luôn kính trọng đã bị quân giặc cướp đi sinh mạng, còn mẹ thì bị chúng bắt bỏ tù tại nhà lao Huế. Mặc dù vẫn còn hai đứa em nhỏ cần được che chở, chăm sóc nhưng ông đành phải gửi lại quê nhà nhờ bà con, hàng xóm trông nom để lên đường nhập ngũ.

 

Ông chính thức trở thành anh Giải phóng quân tháng 12/1964, rồi được bổ sung vào đơn vị A22 Công an Phú Yên. Đến tháng 10/1966, ông được điều động sang làm tiểu đội phó thuộc Tỉnh đội Khánh Hòa. Ngày 2/9/1966, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (tên gọi thời điểm này là Đảng Lao động Việt Nam). Tháng 6/1967, ông tham gia trận đánh lính Nam Triều Tiên đi càn.

 

“Lúc này, 7 tiểu đoàn của Nam Triều Tiên bao vây khu căn cứ Tỉnh đội Khánh Hòa ở Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Quân ta dàn đội hình nổ súng chống lại để giữ vững khu căn cứ”, ông Phước nhớ lại. Trong trận đánh ấy, ông Phước trúng đạn, bị thương ở chân, được đồng đội đưa về Bệnh xá Tỉnh đội điều trị. Sau 2 tháng vết thương lành, ông tiếp tục trở lại đơn vị tham gia chiến đấu.

 

Tháng 8/1967, ông được đưa đi học sĩ quan lục quân ở miền Bắc (nay là Trường đại học Trần Quốc Tuấn, Hà Tây - Hà Nội). Tháng 6/1968, ông tốt nghiệp sĩ quan lục quân và được phong quân hàm chuẩn úy, cấp bậc trung đội trưởng. Năm 1969, ông làm Chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Tháng 9/1969, ông đưa quân vào miền Nam (B2 Tây Ninh), giao quân xong trở ra miền Bắc tiếp tục làm công tác huấn luyện tân binh để vào chiến trường chiến đấu.

 

Cả cuộc đời binh nghiệp, khắc sâu trong ông là các trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ông kể: Tháng 6/1972, đơn vị tôi cùng nhiều đơn vị bộ đội khác tham gia trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị kéo dài đến 81 ngày đêm không ngơi nghỉ; nhiều đồng đội hy sinh. Sau khi ta tái chiếm Thành cổ Quảng Trị tạo sự cắm chốt xen kẽ giữa ta và địch, lúc đánh nhau ác liệt để “cắm cờ” thì địch đã nống ra cách cảng Cửa Việt 500m. Đúng 9 giờ ngày 27/1/1973, sau khi Hiệp định Paris vừa được ký kết, cả hai bên đều ngừng bắn. Sáng sớm 31/1/1973, hai bên tiếp tục đấu súng đến 10 giờ cùng ngày, ta mới đẩy lùi quân địch ra khỏi cảng Cửa Việt được 7km. Ban đầu, Trung đoàn 101 có cả ngàn quân, trong đó có 36 cán bộ là người miền Nam (từ trung đội trưởng trở lên). Sau chiến dịch, chỉ còn lại 6 người, trong đó có tôi, đồng chí Nguyễn Thanh (quê xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) và đồng chí Nguyễn Văn Thức (quê Quảng Trị) là sinh viên y khoa, chiến sĩ của trung đoàn. Nay ông Thức đang sống ở phường 8 (TP Tuy Hòa).

 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông Phước là trong lúc quân ta và địch đánh nhau dữ dội, ông được phân công cùng với hai người đứng ra tổ chức kết nạp Đảng cho đồng chí Lê Duy Ứng (quê ở Quảng Bình) tại hầm chữ A. Đồng chí Lê Duy Ứng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người đã dùng máu của hai con mắt bị thương vẽ chân dung Bác Hồ, đi theo xe tăng vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

 

“Thành cổ Quảng Trị ngày ấy là một chiến trường khốc liệt đầy máu lửa. Quân địch được trang bị vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh. Quân số giữa ta và địch có sự chênh lệch rất lớn. Trong những năm tháng chiến đấu tại đây, nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng ngã xuống, phần lớn không giữ được hình hài nguyên vẹn”, ông Phước trầm tư.

 

Người thầy mặc quân phục

 

Theo đại tá Nguyễn Phước, dù ở cương vị nào cũng phải gìn giữ cho được lý tưởng, đạo đức, bản lĩnh chính trị và sự thiện lương, khoan ái để sống vui, sống khỏe và sống có ích.

43 năm trong cuộc đời binh nghiệp, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau với 73 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, đại tá Nguyễn Phước nhận nhiều huân chương, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, quân đội trao tặng.

Sau Hiệp định Paris, ông Phước được cử đi học tại Học viện Chính trị Quân sự Bộ Quốc phòng, rồi được giữ lại làm giảng viên chính trị tại trường. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 10/1976, ông chuyển về làm giáo viên chính trị Trường Quân sự Phú Khánh. Lúc này, trường đóng tại ba địa điểm: phía tây xã An Phú, trung tâm TX Tuy Hòa và xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa). Sau này trường đóng ở Đông Tác (huyện Tuy Hòa), đến năm 1980 chuyển về xã Ninh Diêm (huyện Ninh Hòa, Phú Khánh).

 

Trong thời kỳ bao cấp, đời sống của dân quân rất khó khăn, học viên chủ yếu là dân quân du kích trong tỉnh được chọn đào tạo cán bộ xã đội, tiểu đội trưởng, trung đội phó bộ đội tỉnh. Mỗi lớp có khoảng 100 người được đào tạo 3-6 tháng. Lúc bấy giờ, thầy giáo phải cùng học viên lên rừng chặt cây về làm bàn, ghế. Còn trường thì sử dụng doanh trại lợp tranh, nứa, lá. Cơm ăn hàng ngày toàn độn khoai, sắn. Nhưng tất cả học viên đều ý thức cao và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Trong trí nhớ của ông Phước, mỗi “học trò” đều có cá tính riêng nhưng ai cũng kiên trì, chăm chỉ học tập. Ông hiểu rằng, vì hoàn cảnh chiến tranh, học viên mới dở dang việc học nên ông càng thấy mình phải có trách nhiệm và luôn trân trọng những học trò của mình. Từ đó nhân lên ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của học viên cũng như cách thể hiện lòng yêu nước đúng đắn, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

 

Sau 3 năm với cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Phú Khánh, năm 1983, ông Phước được điều động về làm Chính trị viên Thị đội Tuy Hòa. Tháng 7/1989, tỉnh Phú Yên tái lập, ông về làm Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh. Từ năm 2001-2007, ông là Trưởng Ban Biên soạn lịch sử công tác chính trị Quân khu 5 và nghỉ hưu.

 

Hơn 43 năm trong quân ngũ, đại tá Nguyễn Phước khẳng định: “Cuộc sống quân đội với kỷ luật thép đã rèn giũa tôi ngày càng trưởng thành hơn. Không những vậy, sự vất vả hy sinh đã mang đến cho những người lính chúng tôi tình đồng chí, đồng đội nồng thắm. Tình cảm đó giúp cho những người cùng chung lý tưởng, mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Đảng và nhân dân giao phó”.

 

Trưởng thành trong quân đội, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cùng những kinh nghiệm công tác, đại tá Nguyễn Phước còn là người truyền tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ học viên Trường Quân sự qua các môn học Chính trị, Giáo dục quốc phòng - an ninh… Giờ đây khi đã về hưu, ngoài thú vui đọc sách, báo…, ông còn dành thời gian truyền dạy lại cho con cháu những điều tử tế để nhân rộng những việc làm ý nghĩa trong cuộc sống. Theo ông, dù ở cương vị nào cũng phải gìn giữ cho được lý tưởng, đạo đức, bản lĩnh chính trị và sự thiện lương, khoan ái để sống vui, sống khỏe và sống có ích.

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp