Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Một cựu tù Côn Đảo kiên trung

Thứ sáu - 22/11/2019 05:28
Vào sinh ra tử dưới mưa bom bão đạn, nay đã gần bước sang tuổi 90, ông Phạm Ngọc Châu (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) vẫn luôn tự nhận mình là người may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác.
Một cựu tù Côn Đảo kiên trung

Vào sinh ra tử dưới mưa bom bão đạn, nay đã gần bước sang tuổi 90, ông Phạm Ngọc Châu (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) vẫn luôn tự nhận mình là người may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác. Bởi ông được nhìn thấy ngày đất nước độc lập, được trở về quê nhà, sống trong hòa bình cùng con cháu, trong khi nhiều người đã ra đi mãi mãi.

 

Trở về nhà sau gần một tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên do di chứng tù đày và nhiều mảnh đạn còn lại trên người, song khi nhắc đến những năm tháng chiến tranh, ký ức của thời trai trẻ hơn 30 năm trước lại ùa về trong trái tim của người cựu binh già…

 

Chiến đấu không mệt mỏi

 

Năm 1945, mới 15 tuổi, ông Châu đã tham gia Đội Thanh niên cách mạng của thôn đi kháng Nhật. “Tháng 7 năm ấy, tôi cùng anh em trong đội lên rừng chặt cây, lấy gỗ làm vật cản chặn xe địch ở cầu Bàn Thạch (Hòa Vinh). Chờ đến 12 giờ trưa, không thấy đoàn xe chở lính Nhật từ Tuy Hòa vào đồn để thay ca, chỉ huy cho người thăm dò tin tức mới biết hôm nay chỉ có đoàn xe lính Nhật từ đồn ra Tuy Hòa. Lập tức lực lượng ta xuất hiện ngăn chặn, cản trở. Hai bên giằng co nhưng bọn chúng mạnh hơn. Để tránh tổn thất, lực lượng ta được lệnh rút về căn cứ”, ông Châu nhớ lại.

 

Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Châu được bầu làm Đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong của thôn 5 (xã Trường Thịnh, sau đổi thành xã Đại Thành và nay là thị trấn Hòa Vinh). Nhờ giọng nói to, khỏe nên mỗi lần có cuộc vận động dân biểu tình, ông là người cầm loa hô khẩu hiệu. Năm 1946, ông tham gia đội du kích của xã với nhiệm vụ liên lạc, chuyển thư mật trong vùng.

 

Sau đó, ông gia nhập đội du kích tập trung và làm Tổ trưởng Tổ Liên trinh, rồi được điều sang làm tiểu đội trưởng của Trung đội 3, Đại đội 377 huyện Tuy Hòa. Tháng 8/1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó được cử đi học sĩ quan, tốt nghiệp năm 1951, được tổ chức điều về công tác tại Đại đội 380 đóng quân tại Sơn Hòa, chức vụ trung đội phó.

 

Bọn cai ngục tàn bạo muốn các chiến sĩ cách mạng phải khuất phục, phải gục ngã trước những trận đòn hiểm ác. Mỗi ngày, chúng lôi một đồng đội tôi ra đánh, sau đó vứt xuống “chuồng cọp” với người toàn là máu. Chúng tôi chỉ biết đau xót nhìn đồng chí của mình và dặn lòng không nao núng trước những trận đòn thù, giữ vững ý chí kiên trung, bất khuất. Ông Phạm Ngọc Châu

“Một trong những trận đánh mà tôi luôn nhớ là trận phục kích đánh địch tại cầu Tòa Lóa (Gia Lai) tháng 6/1951”, ông Châu nhớ lại. Trong trận đánh ấy, ông chỉ huy một tiểu đội đào lỗ chôn 7 quả mìn, giăng dây dọc hai bên đoạn đường từ Cà Lúi (Sơn Hòa) lên đến cầu Tòa Lóa để đánh địch. Đến 8 giờ 30 sáng hôm sau, 2 xe chở lính Pháp đi từ Gia Lai xuống để thay ca ở đồn Cà Lúi.

 

Lúc đó, ông ra lệnh rút dây cho mìn nổ, nhưng anh em rút mãi dây vẫn không đứt, các quả mìn vẫn nằm im thin thít, đoàn xe lính Pháp cứ an nhiên đi qua. Chờ địch đi xa, ông trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra thì phát hiện dây chôn đóng cọc chặt quá, kéo không lên khỏi mặt đất để kích bom nổ được. Vậy là phải tháo dỡ hết toàn bộ cọc đưa dây lên. Khi đoàn xe quân lính Pháp trở về, ông liền cho nổ 6 quả mìn, làm nhiều tên thương vong.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông Châu được tổ chức phân công ở lại địa phương hoạt động bí mật. Tháng 10/1955, địch đi càn phát hiện và bắt giam ông tại nhà lao Ngọc Lãng (Tuy Hòa). Sau 3 tháng giam cầm, địch dùng nhiều hình thức tra tấn nhưng không khai thác được gì nên thả ông ra. Móc nối với cơ sở cách mạng, ông tiếp tục hoạt động đến giữa năm 1961, làm Tiểu đội trưởng Đội Vũ trang căn cứ Miền Đông (Tuy Hòa 1).

 

Ngày 16/2/1961, Chi bộ Đảng xã Hòa Vinh thành lập, ông Châu được bầu làm chi ủy viên kiêm nhiệm Xã đội trưởng. Năm 1962, ông phụ trách trưởng mũi công tác Hòa Vinh và tham gia trận đánh “quyết tử trong lòng địch”.

 

Ông kể: Tháng 7/1964, tôi cùng 13 đồng chí trong xã đội vận động người dân phá ấp chiến lược. Chúng tôi chuẩn bị công sự với chủ trương đánh cả một trung đội của địch từ ngoài đồng Phước Lộc vào Hòa Vinh, nhưng bị vỡ kế hoạch vì địch đi xuống Hòa Hiệp. Lúc đó, một trung đội địch khác từ thôn 3 xuống, tôi ra lệnh nổ súng. Địch kéo thêm hai trung đội bao vây ta. Lúc này, chúng tôi phải đánh trả địch từ ba phía rất quyết liệt. Nhờ sự hỗ trợ nội gián của ta tác động về mặt quân sự, chính trị, binh vận, đến 5 giờ chiều địch rút. Quân ta cũng rút về căn cứ. Tôi và một số đồng chí bị thương được đưa về căn cứ điều trị.

 

Không khuất phục trước kẻ thù

 

Ngày 28/11/1964, chuyến tàu Không số chở vũ khí, hàng hóa từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam lần đầu tiên cập bến Vũng Rô tại Bãi Chính. Ông Châu được phân công làm Ủy viên Ban chỉ huy dân công chuẩn bị tiếp nhận, vận chuyển vũ khí từ tàu. “Khi tàu cập bến, chúng tôi đã chờ sẵn và cùng lên tàu bốc hàng đưa xuống ghe vận chuyển về Bãi Xép an toàn”, ông Châu cho biết.

 

Ngày 3/1/1965, cơ sở bị lộ, ông Châu bị địch bắt khi đang nằm hầm bí mật ở trong thôn. Qua 4 tháng bị giam cầm tại nhà lao ở Ty Cảnh sát Phú Yên, địch tra khảo rất dã man nhưng ông quyết không khai nửa lời, chúng bèn đưa ông vào Vùng 2 chiến thuật ở Nha Trang (Khánh Hòa). Bốn ngày sau, chúng đưa ông ra xét xử. Thiếu tướng Nguyễn Văn Là, Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật, Chánh Tòa án Mặt trận Quân sự Vùng 2 tuyên ông án tử hình với 3 tội danh: Phản nghịch chống lại chính phủ quốc gia; giữ vũ khí bất hợp pháp; chủ mưu hạ sát cán bộ dân chính của Trung đoàn 47.

 

Theo Luật 10/59 xử ông tử hình để làm gương. Khi địch cho nói lời cuối cùng, ông dõng dạc phản đối: “Tôi không phải là cán bộ và làm việc cho chế độ của ngài nên tôi không phải là phản nghịch. Tôi giữ vũ khí này là của cách mạng giao cho tôi làm nhiệm vụ đánh địch đàn áp những người dân vô tội, đánh phá xóm làng, quê hương của tôi”. Tướng Là cho quân lính giam ông vào đại lao chờ 4 ngày sau xử bắn…

 

Sau 4 ngày trôi qua, chúng chuyển ông vào Khám Chí Hòa, đến tháng 2/1966 thì đưa ra nhà tù Côn Đảo.

 

10 năm ở Côn Đảo, 7 năm nằm “chuồng cọp”

 

Ông Châu nhớ lại: “Ra đến Côn Đảo, tù nhân bị đánh từ bến tàu vào đến ngục, không ngày nào không bị tra tấn dã man. Bữa ăn chỉ có lưng gáo dừa cơm gạo hẩm, cá khô mục rữa... thấm cả máu, tù nhân nhịn đói, nhịn khát chỉ biết nhận những đòn roi tra khảo liên tục. Bọn cai ngục tàn bạo đã dùng gậy gốc mây gắn đinh đánh lên đầu tù nhân trong cả lúc ăn bởi chúng muốn các chiến sĩ cách mạng phải khuất phục, phải gục ngã trước những trận đòn hiểm ác. Mỗi ngày, chúng lôi một đồng đội tôi ra đánh, sau đó vứt xuống “chuồng cọp” với người toàn là máu. Chúng tôi chỉ biết đau xót nhìn đồng chí của mình và dặn lòng không nao núng trước những trận đòn thù, giữ vững ý chí kiên trung bất khuất”.

 

Ba năm đầu bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, ông Châu kiên quyết phản đối, không chấp hành chào cờ, đòi quyền dân sinh, dân chủ nên chúng giam ông trong “chuồng cọp” suốt 7 năm ròng cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và giải phóng Côn Đảo. Lúc này ông chỉ còn da bọc xương, nặng 20kg. Sau 4 ngày giải phóng Côn Đảo, ông cùng với 33 anh em lên chuyến tàu đầu tiên trở về đất liền. Khi về đến Sài Gòn, ông được đưa đi chữa bệnh ở Quân khu 5, Đà Nẵng 2 tuần rồi mới về lại quê nhà Phú Yên.

 

Ông công tác tại Cửa hàng Xăng dầu Phú Yên từ tháng 9/1975, đến năm 1989 là Cửa hàng trưởng rồi nghỉ hưu. “Đã 44 năm được sống trong hòa bình, bên gia đình thân yêu, tôi luôn dặn lòng dù trong hoàn cảnh nào, vẫn cố gắng làm được việc gì có lợi cho dân, có lợi cho nước để xứng đáng với sự hy sinh của bao anh chị em nằm lại ở Côn Đảo - những người đã không thấy được độc lập, tự do, không thấy được vinh quang của Tổ quốc hôm nay”, ông Châu trải lòng. 

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp