Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Xem trình diễn nghệ thuật truyền thống

Thứ năm - 26/11/2020 05:59
Chương trình nghệ thuật truyền thống kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản Văn hóa (DSVH) Việt Nam 23/11 vừa diễn ra tại Bảo tàng tỉnh đã thật sự để lại dấu ấn trong lòng người xem.
Xem trình diễn nghệ thuật truyền thống

Chương trình nghệ thuật truyền thống kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản Văn hóa (DSVH) Việt Nam 23/11 vừa diễn ra tại Bảo tàng tỉnh đã thật sự để lại dấu ấn trong lòng người xem.

 

Từ câu hò bá trạo được thể hiện bởi nghệ nhân Tuấn Minh và các nghệ nhân, diễn viên đến từ làng biển Mỹ Quang, An Chấn (huyện Tuy An), đến những làn điệu bài chòi qua giọng ca của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trọng Tích (An Phú, TP Tuy Hòa) hay trích đoạn tuồng do các diễn viên CLB Nghệ thuật truyền thống Tuồng 10/5 huyện Phú Hòa thể hiện..., tiết mục nào người xem cũng cảm nhận được cái hồn, niềm đam mê toát lên trong sự khổ luyện.

 

Đa dạng các loại hình

 

Mở đầu chương trình là màn trình diễn hò bá trạo Giữa biển khơi. Những câu hò đã tái hiện những hoạt động của ngư dân trong quá trình lao động trên biển. Bên cạnh những giây phút khoan thai, say sưa tận hưởng cảnh gió trăng, mây nước, họ phải luôn đối đầu với bao gian khó, rủi ro như sóng to gió lớn, bão bùng nhưng những ngư dân vùng biển vẫn luôn lạc quan, tin yêu cuộc sống, yêu nghề. “Xem hò bá trạo, tôi rất thích.

 

Mặc dù không phải là một ngư dân thực thụ nhưng mỗi lần xem diễn hò bá trạo, cuộc sống, mộc mạc, chân thành của những con người làm nghề sông nước đối với biển cả lại hiện lên rõ nét trong tâm trí tôi”, anh Nguyễn Văn Nam ở phường 7 (TP Tuy Hòa) chia sẻ.

 

Nghệ nhân, diễn viên Tuấn Minh cho biết: “Đây là một hình thức diễn xướng nghi lễ được trình diễn trong lễ hội cầu ngư truyền thống của người dân vùng biển miền Trung. Hò bá trạo thường có nội dung ca ngợi công đức Ông Nam Hải - vị thần che chở, giúp ngư dân vượt qua nỗi sợ hãi khi lênh đênh trên biển; thể hiện ước vọng an lành, may mắn trong những chuyến giong buồm ra khơi tìm nguồn tôm cá... Với nhiều ý nghĩa văn hóa dân gian, hò bá trạo được người dân vùng biển Phú Yên gìn giữ và phát huy”.

 

Còn NNƯT Trọng Tích mang đến đêm diễn tiết mục bài chòi cổ Cuộc đời anh hát bài chòi của cụ Nguyễn Nhi: Nghe tiếng đồn anh con nhà nho nhã/ Chớ anh hô hát sao không sợ thiên hạ đà khinh/ Nghe tiếng đồn anh con nhà quyền quý hiển vinh/ Chớ anh đi hô hát họ coi tình anh ra sao/ Mà kẻ họ thương người họ tưởng anh đôi hào...

 

“Nghệ thuật bài chòi được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vui to lớn đối nhân dân cả nước nói chung và những người hát bài chòi như tôi nói riêng. Vì vậy, tôi tự hào khi góp một phần công sức vào việc tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. Tôi hy vọng lớp trẻ tiếp tục kế thừa và khẳng định sức sống trường tồn bài chòi trong thời hiện đại”, NNƯT Trọng Tích nói.

 

Tương tự, với trích đoạn tuồng Kiều Quốc Sĩ, CLB Nghệ thuật truyền thống Tuồng 10/5 mong muốn đưa bộ môn nghệ thuật tuồng đến với người xem. Diễn viên Thu Sen, người luôn nặng lòng với loại hình nghệ thuật truyền thống này, bày tỏ: “Như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, tuồng đang khó khăn trong cách tiếp cận công chúng. Trước thực trạng khán giả không mặn mà với tuồng, để bảo tồn, gìn giữ những tinh hoa của môn nghệ thuật này thì đây là cơ hội giúp nghệ thuật tuồng đến gần hơn với khán giả và công chúng”.

 

Ngoài hò bá trạo, hát bài chòi, biểu diễn tuồng, những tiết mục ca cổ như: Tình ca tháp Nhạn, Về thăm đất Phú, Tiếng tơ lòng người xứ Nẫu... do Hữu Nghĩa, Phi Loan (Tuy Hòa), Hồng Cúc (Đông Hòa) biểu diễn cũng hấp dẫn khán giả không kém.

 

Gieo tình yêu nghệ thuật

 

Sinh viên Đỗ Trần Bích Tâm, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung vô cùng thích thú khi lần đầu được xem trích đoạn tuồng Kiều Quốc Sĩ. “Từ cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt thể hiện tâm trạng, nội tâm, khí khái của nhân vật trên sâu khấu hoặc các đạo cụ, phục trang như gươm giáo, râu tóc... đã khơi gợi sự tò mò ở người xem. Xem Kiều Quốc Sĩ, em có cơ hội tiếp xúc và thêm yêu mến nghệ thuật tuồng, từ đó có ý thức hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và quảng bá giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật truyền thống này”, Bích Tâm nói.

 

Còn thượng sĩ Đặng Phương Nam, Trung đoàn Không quân 910 chia sẻ sau khi xem xong chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống: “Là thế hệ trẻ, tôi mong muốn có thể tiếp sức cho các nghệ sĩ, nghệ nhân... để cùng hiểu và yêu những giá trị của cha ông, dành thời gian gìn giữ giá trị ấy như một kho tàng vô giá của dân tộc. Bởi việc gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống là trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là những người trẻ”.

 

Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Ngày DSVH Việt Nam nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ DSVH dân tộc trong toàn dân; tăng cường trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

“Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh DSVH nói riêng, mảnh đất Phú Yên nói chung. Đồng thời đưa DSVH đến gần công chúng địa phương và góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh”.

 

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp