Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Tinh túy nghề dệt thổ cẩm Chăm

Thứ ba - 22/10/2019 08:54
Trong khuôn khổ của Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Chăm lần thứ V diễn ra tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa) vừa qua, hoạt động trình diễn nghề dệt thổ cẩm của các nghệ nhân Chăm ở làng nghề Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận) gây ấn tượng mạnh cho nhiều du khách.
Tinh túy nghề dệt thổ cẩm Chăm

Trong khuôn khổ của Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Chăm lần thứ V diễn ra tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa) vừa qua, hoạt động trình diễn nghề dệt thổ cẩm của các nghệ nhân Chăm ở làng nghề Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận) gây ấn tượng mạnh cho nhiều du khách.

 

Ngồi bên khung cửi giữa bao sắc màu của ngày hội bên bờ biển xanh, nghệ nhân Thiên Thị Thẩm (43 tuổi) liền tay đưa thoi, vừa trình diễn, chị vừa chia sẻ về chuyện nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

 

Gái Chăm phải biết dệt thổ cẩm

 

“Dệt thổ cẩm truyền thống vốn là nghề nổi tiếng của làng nghề Mỹ Nghiệp. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi chỉ biết nghề này có từ hồi bà cao, bà cố, đến bà ngoại rồi đến mẹ và giờ là tôi. Đây là nghề truyền thống của dân tộc nên tôi luôn có ý thức phải giữ gìn lâu dài để sau này truyền dạy lại cho con, cháu của mình nữa”, chị Thẩm cho biết.

 

Theo chị Thẩm, hầu hết phụ nữ Chăm ai cũng biết dệt thổ cẩm, nhưng tập trung nhiều nhất và mưu sinh bằng nghề này chỉ có làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Ở làng nghề này, mỗi cô gái Chăm phải biết dệt thổ cẩm. Sự khéo tay trong nghề dệt của các cô gái được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để các chàng trai lựa chọn khi lấy vợ.

 

Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Chăm đã phải theo mẹ học nghề. Ban đầu, các cô gái chỉ đứng quan sát và phụ mẹ lấy chỉ. Khi đã thẩm thấu được kỹ thuật căn bản của nghề, họ mới được mẹ cho trực tiếp ngồi vào khung dệt. Mẹ truyền, con nối, cứ như vậy, trải qua thời gian với biết bao thăng trầm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được gìn giữ như một di sản thiêng liêng của người Chăm ở Ninh Thuận.

 

Riêng chị Thẩm, vốn tính tò mò, ham học hỏi lại được mẹ truyền bí kíp nên tay nghề của chị ngày một nâng cao, đứng hàng đầu những nghệ nhân khéo tay trong làng. “Yêu nghề nên gắn bó với nghề từ bé đến giờ, chứ để dệt ra một tấm thổ cẩm đẹp thì đầu tư nhiều công sức và bây giờ người mua cũng rất kén chọn dữ lắm!”, chị Thẩm trải lòng.

 

Giữ nguyên giá trị truyền thống

 

Quy trình dệt thổ cẩm của phụ nữ Chăm ở Mỹ Nghiệp bắt đầu từ việc chọn bông làm sợi, chủ yếu sử dụng sợi từ cây lam lan. Giống như nghề dệt của đa số đồng bào dân tộc thiểu số, người Chăm nhuộm màu cho sợi trước khi dệt. Người ta thường sử dụng nguyên liệu từ các loại khoáng vật, thực vật ở địa phương, vừa tạo màu sắc tự nhiên vừa tạo sự đặc biệt của thổ cẩm. Màu xanh của cây chàm, màu đen của quả muông, màu vàng của cây jưng, màu đỏ của lõi cây pan... tất cả được sử dụng và phối hợp một cách tỉ mỉ để tạo ra nhiều gam màu khác nhau.

 

Nếu công đoạn nhuộm đòi hỏi kinh nghiệm pha chế thuốc nhuộm thì khi lên khung dệt cần đến sự tỉ mỉ. Phụ nữ Chăm làng Mỹ Nghiệp dệt trên những bộ khung dệt có kết cấu khá đơn giản, nhưng thân lại được làm từ những loại gỗ quý và chắc như săng đá hay cẩm lai. Khung dệt có hai loại: khung dệt dài và khung dệt ngắn. Khung dệt dài dùng để dệt những tấm vải có khổ nhỏ nhưng kích thước dài, còn khung dệt ngắn dùng để dệt những khổ lớn nhưng có kích thước ngắn, không quá 2m. “Nếu dệt vải đơn giản thì trung bình mỗi ngày dệt được 5m, 2 ngày xong một khung”, chị Thẩm nói.

 

Điều làm nên giá trị độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp nằm ở cách tạo hoa văn trên vải. Thợ dệt đếm sợi và tỉ mỉ từng “bước” chỉ đan xen nhau, tạo nên những hoa văn khác nhau, dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp. Các hoa văn trên vải thổ cẩm thường thể hiện theo nét truyền thống của đồng bào Chăm. Các bà, các mẹ thường lấy hình ảnh của hoa lá, cỏ cây, muôn loài... để dệt hoa văn trên vải. Đặc biệt hoa văn cổ Chăm được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên để dệt thành công hoa văn này tốn nhiều công sức.

 

Chị Thẩm chia sẻ: “Dệt thổ cẩm không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ dệt, nếu không có sự ham thích thì khó lòng làm được. Công đoạn khó nhất ở chỗ tạo hoa văn. Thợ dệt phải có trí nhớ và sự tưởng tượng phong phú. Giờ đây, tôi cảm thấy tự hào khi sản phẩm thổ cẩm của làng dệt Mỹ Nghiệp không chỉ xuất hiện trong các nghi lễ truyền thống, cưới, hỏi..., mà còn được du khách ưa thích, góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm Ninh Thuận”. 

 

Đồng bào Chăm Phú Yên cũng có nghề truyền thống trồng bông, dệt vải từ lâu đời nhưng đã dần mai một, không còn duy trì như trước. Qua ngày hội này, nhất là được thưởng lãm tài nghệ và tinh túy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận, nhắc nhở chúng tôi phải biết giữ gìn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt.

 

Chị Mang Thị Út,

dân tộc Chăm ở xã Xuân Lãnh,

huyện Đồng Xuân

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp