Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Tuy Hòa chín nhớ mười thương

Thứ sáu - 25/10/2019 02:57
Trong một quán cà phê ở Tuy Hòa, ông khách quen uống xong rồi đứng dậy nói: Dẫy nghen; ông chủ nhìn lên: Dẫy hửng; còn bà chủ thì chép miệng: Dẫy na; vậy là xong một cuộc giao dịch… ký nợ!
Tuy Hòa chín nhớ mười thương

Trong một quán cà phê ở Tuy Hòa, ông khách quen uống xong rồi đứng dậy nói: Dẫy nghen; ông chủ nhìn lên: Dẫy hửng; còn bà chủ thì chép miệng: Dẫy na; vậy là xong một cuộc giao dịch… ký nợ!

 

Phố... dẫy na

 

Mới ngày nào lò dò ra trường kiếm việc, vậy mà tôi đã gắn bó với Tuy Hòa đến 30 năm. Ngày tôi nhập cư, Tuy Hòa là thị xã tỉnh lỵ Phú Yên. Lúc ấy, Phú Yên và Khánh Hòa mới vừa tách nhau ra khỏi tỉnh Phú Khánh (1989). Tuy Hòa chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Yên vào năm 2005. Khi đó, nhiều người dân bản địa cảm thấy tiêng tiếc cái chữ thị xã vì nghe xứng tầm hơn với không gian nửa phố, nửa ruộng của Tuy Hòa. Bởi họ thấy hạ tầng đô thị vẫn thua xa các tỉnh lỵ lân cận như Pleiku (Gia Lai), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa)… Quả thực, phố xá Tuy Hòa lúc đó hết sức thoáng đãng, nho nhỏ, thanh mảnh, chủ yếu nằm dọc hai trục đường Trần Hưng Đạo và Lê Lợi. Có người thấy điểm trội của Tuy Hòa là đường sá khá rộng nhưng xe cộ thưa thớt.

 

Vậy đó, ai gặp Tuy Hòa thì thấm cái mộc mạc, chân phương của người Nẫu. Ai biết Tuy Hòa thì vấn vương câu hát … ơi Tuy Hòa chín nhớ mười thương, câu dân ca lượn gió vờn lúa non… (Tuy Hòa chín nhớ mười thương, tác giả Cao Hữu Nhạc).

Tuy Hòa là đô thị duyên hải có “ôm” hai ngọn núi giữa lòng (núi Nhạn và núi Chóp Chài). Núi Nhạn là địa chỉ trẩy hội thơ Nguyên tiêu nức tiếng. Còn Chóp Chài nằm nhô lên giữa đồng bằng Tuy Hòa, thân thuộc trong câu ca Chóp Chài đội mũ/ Mây phủ Đá Bia (núi Đá Bia thuộc huyện Đông Hòa).

 

Bạn bè tôi vẫn thường đùa vui “Tuy Hòa, Phú Yên không có cà phê và không biết hối lỗi”. Bởi, chất giọng đặc trưng của người xứ này phát âm “ê” thành “ơ”, “ôi” thành “âu”… (“cà phê” nói thành “cà phơ”, “hối lỗi” nói thành “hấu lẫu”). Với nhiều nét tương đồng (trong đó có giọng nói), vùng hai tỉnh Bình Định và Phú Yên thường được gọi là xứ Nẫu. Một dạo, có tranh luận “xứ Nẫu ở đâu?”, cả Bình Định và Phú Yên đều “giành”. Vậy nên có người gọi Phú Yên là Nam Nẫu, Bình Định là Bắc Nẫu.

 

Phố xá Tuy Hòa duyên dáng hòa quyện với đồng, với núi, với sông, với biển. Chất địa lý ấy đã giúp cho Tuy Hòa luôn có nhiều sản vật, ẩm thực tại chỗ hết sức phong phú, tươi ròng, giá cả nhẹ nhàng hơn tại nhiều đô thị khác. Bạn tôi nói “đi Tuy Hòa không cần mang nhiều tiền mà vẫn ăn chơi thoải mái”. Tùy túi, tùy gu, từ sáng đến khuya, hàng quán Tuy Hòa luôn có những thức món từ gần gũi đến cao sang, đặc trưng một vùng Nam Trung Bộ.

 

Một dạo, tôi thường ghé quán cà phê của ông bạn vong niên mở tại nhà, kế bên chợ lớn Tuy Hòa. Tao nhân, mặc khách, kẻ buôn thúng bán bưng, xích lô ba gác… đều tiện đường ghé giải khát, giải khuây. Bạn tôi từ nơi khác đến đây lại cảm thấy thú vị khi nghe… “ngoại ngữ” Tuy Hòa. Ấy là khi một ông khách quen, uống xong rồi đứng dậy nói: Dẫy nghen; ông chủ nhìn lên: Dẫy hửng; còn bà chủ thì chép miệng: Dẫy na…; vậy là xong một cuộc giao dịch… ký nợ! Còn ở bàn bên, cô gái hồn nhiên nói với bạn trai: “Nẫu nói dẫy mà hổng tin na?”, nghe mà đằm thắm hết mức.

 

Tuy Hòa dậy sớm

 

Tuy Hòa mới thực sự “cựa quậy”, có khái niệm du lịch khoảng vài năm gần đây. Đầu tiên, phải nói là từ hiệu ứng bất ngờ của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ, kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh). Bối cảnh phim được quay chủ yếu ở Phú Yên, với nhiều khung hình đẹp lạ lùng. Đến nỗi nhiều người dân tại chỗ cũng lấy làm lạ, bấu rấu (bối rối) sao cảnh quê mình đẹp dữ dẫy!

 

Mươi năm nay, Tuy Hòa mới bắt đầu có một số khách sạn, khu thương mại, nhà hàng, quán xá… tầm cỡ lớn. Thấp thoáng có nhiều chuyến xe đưa du khách từ các nơi đổ về. Nhiều khu vực giải trí, ăn uống đã bắt đầu lấy đêm làm ngày. Thế nhưng đa phần người Tuy Hòa vẫn giữ thói quen ngủ sớm, dậy sớm. Thói quen này chắc do âm hưởng của một vùng quê lúa. Bởi mới khoảng tám, chín giờ tối, nhà cửa nhiều đoạn phố đã đóng cửa tắt đèn… im re, làm nhiều du khách bỗng nhiên cụt hứng.

 

Phải đến khoảng ba, bốn giờ sáng, phố xá mới bắt đầu rục rịch trở lại, với mấy hàng quán đỏ đèn và những người đứng tuổi đi tập thể dục. Tiếp đó là từng tốp, từng tốp râm ran của những người chạy bộ, tắm biển… Ở hoa viên Diên Hồng, những nhóm tập dưỡng sinh cũng bắt đầu khởi động. Lấp lóa bên những nếp cửa đã có vài nhóm cụ ông, cụ bà tập xong, đang ngồi trầm tư chuyện gẫu quanh ấm trà.

 

Tôi thấy có mấy cụ ông đã ngồi như thế trong một ngôi nhà bên đường Phan Đình Phùng hơn mười năm rồi. Tình cờ tôi biết, họ chính là những lão nông ở quê được con cháu đưa lên phố cho tiện bề chăm sóc tuổi già. Câu chuyện thành thị Tuy Hòa của họ vẫn chen nhiều ký ức hột lúa củ khoai, nghĩa xóm tình làng… Và họ cũng công nhận với tôi rằng, Tuy Hòa vẫn mang nhiều dáng nét thôn dã, ngay cả trong dáng hình, nếp nghĩ, giao tiếp… Nói như người thời nay, “mộc mạc, thẳng thắn thì có cái hay, cái dở”. Thế nhưng nhiều người tin cái bản tính chân chất, hiền hòa rất riêng ấy của người Tuy Hòa sẽ còn dài lâu, dù nhịp điệu đô thị có biến chuyển bao nhiêu.

 

HÙNG PHIÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp