Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Bồi đắp tình yêu âm nhạc truyền thống

Thứ năm - 24/10/2019 04:57
Trong thời gian qua, nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) âm nhạc truyền thống không chỉ tạo sân chơi bổ ích, giúp mọi người có cơ hội trao nhau lời ca tiếng hát, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Bồi đắp tình yêu âm nhạc truyền thống

Trong thời gian qua, nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) âm nhạc truyền thống không chỉ tạo sân chơi bổ ích, giúp mọi người có cơ hội trao nhau lời ca tiếng hát, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc.

 

Người cao tuổi nhất đã gần 74, còn người ít tuổi nhất nay cũng 18. “Mỗi người một vẻ”, người thì biết hát, người thì giỏi đàn, cũng có những người đơn giản chỉ mong muốn được tận tai nghe những làn điệu dân ca - nhạc cổ mà đến... nhưng tất cả đều có chung tình yêu với văn nghệ, “nặng nợ” với dân ca - nhạc cổ.

 

Từ niềm đam mê, trăn trở

 

CLB Dân ca - Nhạc cổ trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Phú Yên hiện có 30 thành viên chính thức. Các thành viên CLB phần lớn trong độ tuổi trung niên và người già, từ cán bộ hưu trí đến người nông dân, tiểu thương... CLB sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng vào tối mùng 2 và 16 (trước đây là vào tối mùng 1 và 15 âm lịch) tại tiền sảnh Nhà văn hóa Diên Hồng (03 Tản Đà, TP Tuy Hòa), hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không chuyên. Chị Lê Thị Ái, thành viên CLB này, cho biết: “Trong 6 năm qua, CLB như ngôi nhà thứ hai của chúng tôi, là nơi tìm về của những tâm hồn yêu âm nhạc truyền thống của dân tộc. Không chỉ thành viên - người trong CLB mà cả những bạn trẻ ở các huyện cũng tìm đến để thỏa niềm đam mê ca hát”.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 10 đội tuyên truyền lưu động; trong đó có 1 đội thuộc quản lý của tỉnh và 9 đội thuộc các huyện, xã, thành phố, trên 100 đội văn nghệ quần chúng và các CLB nghệ thuật ngoài công lập, với hàng ngàn hội viên, diễn viên không chuyên tham gia.

Bằng tình yêu và đam mê, CLB Dân ca - Nhạc cổ không chỉ mang đến niềm vui, món ăn tinh thần cho mọi người, mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng và gìn giữ âm nhạc truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ trăn trở, nỗi niềm gìn giữ nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc đang dần bị lãng quên, mai một theo thời gian. “Giữa thị trường âm nhạc sôi động với nhiều dòng nhạc ngoại nhập, một bộ phận giới trẻ không mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống. Vì vậy, để duy trì và phát triển dân ca - nhạc cổ trong cộng đồng, nhất là đối với những người trẻ tuổi là một thách thức không hề nhỏ”, ông Phan Thanh Kính, Chủ nhiệm CLB Dân ca - Nhạc cổ chia sẻ.

 

Chung một nỗi niềm, ông Trần Đông (ông Dư) - người có nhiều năm gắn bó với dân ca bài chòi ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, bày tỏ: “Điều mà tôi trăn trở nhất vẫn là làm sao truyền lửa đam mê nghệ thuật bài chòi lại cho thế hệ trẻ để những làn điệu xuân nữ, xàng xê, hò quảng, cổ bản... tiếp tục được lưu giữ đến mai sau, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc”.

 

Còn chị Trình Thị Liên, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), bộc bạch: “Thực tế không thể phủ nhận sân chơi dành cho những người yêu âm nhạc truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện nay rất ít. Nếu có thì cũng chỉ tập trung vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết. Thời gian còn lại, các đội, nhóm, CLB đều hoạt động khá manh mún, nhỏ lẻ. Hơn nữa, kinh phí hoạt động tự đóng góp nên còn khá hạn hẹp. Vì thế, âm nhạc truyền thống vẫn chưa tạo dấu ấn mới để níu kéo khán giả. Cho nên rất cần tìm ra giải pháp làm tăng thêm sức mạnh cho sân khấu truyền thống, hấp dẫn khán giả trở lại với vốn quý của dân tộc”.

 

Đến lan tỏa...

 

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí để hoạt động còn nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua, hoạt động của các CLB văn nghệ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, khuyến khích người dân, nhất là người trẻ tham gia, rất cần sự chung tay từ cộng đồng, từ những người tích cực và tâm huyết với âm nhạc truyền thống của dân tộc.

 

Anh Nguyễn Duy Vinh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian An Phú (TP Tuy Hòa) cho biết: Với mong muốn tạo sân chơi lành mạnh cho những người yêu bài chòi, trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục mở rộng, thu hút nhiều thành viên trẻ tham gia, góp phần nâng cao ý thức, vai trò của thế hệ trẻ trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào văn nghệ địa phương và giữ gìn di sản văn hóa, âm nhạc dân tộc.

 

“Các đội văn nghệ, các CLB nghệ thuật cần được các cấp, ngành ở địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động, góp phần tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đây là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng các hạt nhân văn nghệ cơ sở và là nguồn lực chính để tham gia các cuộc thi, liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân địa phương, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên nhìn nhận.

 

Sở VH-TT-DL sẽ tiếp tục tạo điều kiện tổ chức các sân chơi để những người có cùng sở thích ca hát được gặp gỡ, giao lưu, góp phần phát triển phong trào văn nghệ quần chúng thông qua các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng; tạo điều kiện cho quần chúng tham gia sáng tạo, hưởng thụ và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời duy trì tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh theo định kỳ; tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn do Bộ VH-TT-DL tổ chức.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Nguyễn Ngọc Thái

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp