Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Nhựa sống và sự chân thật trong thơ Lê Hào

Chủ nhật - 22/08/2021 03:33
Thơ Lê Hào đầy nhựa sống. Dường như mỗi bài thơ qua trải nghiệm cuộc đời, chắt lọc từ nỗi đau, chưng cất từ tâm huyết, vẫn một giọng nhỏ nhẹ, chân thật và ấn tượng.
Nhựa sống và sự chân thật trong thơ Lê Hào

Thơ Lê Hào đầy nhựa sống. Dường như mỗi bài thơ qua trải nghiệm cuộc đời, chắt lọc từ nỗi đau, chưng cất từ tâm huyết, vẫn một giọng nhỏ nhẹ, chân thật và ấn tượng.

 

Tập thơ mới nhất của giảng viên Toán Lê Hào. Ảnh: CTV

Tôi đã đọc thơ Lê Hào rất nhiều trên các tạp chí, trang mạng. Thơ anh nhỏ nhẹ, sâu sắc và mạch lạc. Anh viết về một vùng đất thật giản dị và đẹp:

 

“Những ngọn cỏ treo bình minh trước ngõ

giữ lại vài giọt sương mềm

cho những nụ hoa mới hé

sương lăn qua tay

mùi cỏ hiền lành

bay qua kẽ tóc

những viên sỏi từ chân người khẽ cựa

hồi ức đau thương trở mình...

sau lớp mùn là nước mắt một thời hòa với đất

nước mắt sinh ra em

và đồng lúa Tuy Hòa, xứ Nẫu”

(Hoa vàng cỏ xanh - trên tạp chí Văn nghệ Quân đội)

 

Anh viết về cơn mơ và khát vọng sống cũng đầy trắc ẩn, vang ngân:

 

“Đời mở ra ngôi nhà bình yên cho muôn số phận

từng ngọn nến rưng rưng

lệ tuôn máu đỏ

cỏ mọc mà thương nhau

bằng lăng tím rộ chùm chùm

mùi hương đã lan qua những bụi gai và đọng vào nỗi đau

niềm mơ chợt vỡ ra từ cơn sóng bạc đầu”

(Bài hát và niềm mơ - trên tạp chí Sông Hương)

 

Nhận được tập thơ Tấm lòng của cây anh tặng, đọc xuyên suốt, tôi cảm nhận thơ anh đầy nhựa sống. Dường như mỗi bài thơ qua trải nghiệm cuộc đời, chắt lọc từ nỗi đau, chưng cất từ tâm huyết, vẫn một giọng nhỏ nhẹ, chân thật và ấn tượng:

 

“Chấp chới ánh vàng

để biết cuộc đời còn ngủ say bên kia sườn non

đá nhấp nhô phận mình

triệu năm còn thức...

đát mọc lên từ khe đá

buông xuống một tràng hạt từ bi

rừng lâm râm kinh cầu”

(Đá trên Thạch Bi Sơn)

 

Đâu kể lể về đá, Lê Hào đã viết về cuộc sống đấy chứ!

 

Khi viết những dòng phân trần này, tôi vẫn chưa “đối diện” với nhà thơ Lê Hào. Tôi chỉ biết qua lời giới thiệu anh là giảng viên bộ môn Toán và say mê thơ văn từ lâu lắm rồi. Có phải là nhà giáo nên thơ anh hết sức chỉn chu, mực thước về ngôn từ, thi ảnh đẹp và ý tứ luôn trau chuốt:

 

“Khi mây sớm vẽ những con chữ lên bầu trời

là lúc bầy ong lượn quanh

cánh vươn đầy mật...

bình minh rạng dần trên vai em mảnh khảnh

mồ hôi lăn qua tay

thành mật”

(Khu vườn với những tổ ong mật)

 

Chưa gặp anh nhưng qua thơ, tôi hình dung anh là người dễ bùng vỡ cảm xúc, dễ “gánh vác” nỗi đau của người thành nỗi đau của “nhà thơ”. Anh quan sát nhiều mặt, nhiều sự kiện của đời sống, cả quá khứ hào hùng và hiện tại; anh chia sẻ những giọt nước mắt lặng thầm qua cái nhìn mẫn cảm của người cầm bút:

 

“Phụng ơi…

nhiều mơ ước hôm đó

giờ xanh núi xanh rừng

bạt ngàn trời cao chia sẻ...

Ngày đạn réo Vị Xuyên

anh nhận lá thư người yêu từ trên chốt”

(Về ăn cơm uống rượu)

 

Những câu thơ như vậy không bày vẽ gì cả, chân thật và nhà thơ có trách nhiệm phải ghi lại, như một sự tồn tại trong chốc lát mà miên viễn của một cuộc đời.

 

Theo như nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đã viết về Lê Hào, thì đến với thơ là anh đã chọn cách sống cho mình. Lê Hào quan niệm, thơ như đời sống của cây, gồm lá cành và hoa trái:

 

“Có phải lá là tấm lòng của cây

hoa là niềm tin?

trái là hạnh phúc bao mùa cây cóp nhặt?”

(Khi cây trái vào mùa - Nguyễn Thánh Ngã)

 

Khi đã chọn cách sống thì nhà thơ mang khát vọng tự do, ý thức tự do. Bởi vậy thơ Lê Hào ít ràng buộc niêm luật, vần vè. Giọng thơ dịu dàng, phóng khoáng, sinh động. Viết đến đây, chợt nhớ dường như tôi đã đọc ở đâu đó một quan niệm thơ hiện đại gần với thơ văn xuôi, khởi sự của lời. Hầu hết thơ Lê Hào là vậy. Và nếu thơ là tình yêu, tình yêu là thơ ca thì:

 

“Con người nuôi sống tình yêu

hay tình yêu nuôi sống con người?

không biết được

nhưng chắc rằng

tình yêu cho anh quên bớt những gì đã mất”

(Đời sống cần cánh buồm)

 

Chia sẻ hạnh phúc. Chia sẻ nỗi đau. Chia sẻ giọng nói. Chia sẻ tình yêu. Tất thảy dường như là điều vi diệu và bí mật của nhà thơ vậy. Và nghệ thuật sao có thể “bắt chước”? Chân, thiện, mỹ là những yếu tính của nghệ thuật luôn phát triển và sinh động. Và “… văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam).

 

Chọn văn chương với ý thức thẩm mỹ như vậy, cũng như nhà thơ Lê Hào đã chọn thơ ca như một cách sống, với dòng máu chảy rào rạt trong thân thể, bạn đọc có quyền hy vọng tác phẩm của anh lan tỏa miên man trong dòng chảy thơ ca thời đại mới, với những câu chữ chân thật như anh đã tự họa:

 

“Đôi khi nét cọ run run

lòng day dứt bàng hoàng

giọt giọt màu rơi

rớt xuống khung hình như nước mắt...

Tôi cố vẽ ra tôi

bằng những gì chân thật”

(Tự họa).

 

HUỲNH MINH TÂM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp