Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Âm vang những giai điệu tự hào về mùa thu cách mạng

Thứ năm - 19/08/2021 03:59
Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh 2/9 là những cột mốc không thể nào quên trong tâm trí của người dân Việt Nam. Mùa thu ấy, cả dân tộc ta đã đi qua chặng đường nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng không ít vinh quang, tự hào.
Âm vang những giai điệu tự hào về mùa thu cách mạng

Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh 2/9 là những cột mốc không thể nào quên trong tâm trí của người dân Việt Nam. Mùa thu ấy, cả dân tộc ta đã đi qua chặng đường nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng không ít vinh quang, tự hào.

 

Những khoảnh khắc thiêng liêng của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9) được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng nổi tiếng, mà mỗi khi nghe lại, dường như ai cũng có thể cảm nhận được không khí hào hùng, sục sôi khí thế cách mạng của toàn dân tộc 76 năm về trước, tiêu biểu như: Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu Phước), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái), Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Mười chín tháng tám (Xuân Oanh)...

 

76 năm qua, những ca khúc ấy vẫn vang vọng giai điệu hào hùng của dân tộc, đã khẳng định sức sống mãnh liệt, đồng hành cùng lịch sử dân tộc qua bao thăng trầm, trở thành những ca khúc bất hủ của mọi thời đại; tiếp nối, truyền năng lượng tích cực đến các thế hệ trẻ hôm nay, để như một niềm tự hào về cha ông, như một lời hứa trách nhiệm với đất nước.

1. Nhắc đến ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng không thể không nói đến Tiến quân ca của người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Theo hồi ký của nhà thơ, họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào mùa đông năm 1944 tại Hà Nội khi sự nghiệp cách mạng Việt Nam đang có những bước chuyển hết sức quan trọng hướng đến thời điểm lịch sử tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Sau đó, ca khúc được đăng trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập và ngay lập tức được sử dụng là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân cùng đứng vào hàng ngũ “Đoàn quân Việt Nam” để “chung lòng cứu quốc” chuẩn bị tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

 

Sau khi Ủy ban Dân tộc giải phóng được thành lập do Bác Hồ làm chủ tịch đã quyết định chọn lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh là Quốc kỳ, chọn bài Tiến quân ca là Quốc ca. Tiếp đó, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng mùa thu, hàng chục vạn người dân Thủ đô đã đồng thanh hát vang bài Tiến quân ca trong niềm tự hào dân tộc. Và trong giờ phút lịch sử trọng đại, dưới Quốc kỳ và âm hưởng Quốc ca thiêng liêng, hùng tráng ấy, Bác Hồ đã thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, ca khúc Tiến quân ca tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

2. Ngày 19/8/1945, nhạc sĩ Xuân Oanh hòa vào dòng người tham gia đấu tranh tiến về Bắc Bộ phủ - Hà Nội. Khí thế sục sôi của dòng người đã tác động trực tiếp đến nhạc sĩ, thôi thúc ông ghi lại. Vậy là ca khúc Mười chín tháng tám ra đời ngay trong thời điểm đó. Khi ấy, ông vừa đi vừa viết lời hát lên trên những mảnh giấy xé vội hay vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào, ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày, ca khúc được viết lại hoàn chỉnh, sau đó phổ biến rộng rãi. Nhạc sĩ Xuân Oanh đã từng bồi hồi nhớ lại: “Mười chín tháng tám là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh của nhân dân và xúc cảm của người dân mới được tự do tạo nên. Toàn dân Việt Nam đứng lên góp sức đòi độc lập và trong tôi cứ dạt dào cảm xúc nên viết rất nhanh lời bài hát rồi phổ nhạc; âm thanh vui tươi, rộn rã, hào hùng cứ bật ra một cách kỳ lạ”.

 

Đến nay, ca khúc này vẫn được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc với giai điệu giản dị, dễ hát, lời ca dễ nhớ, thể hiện tinh thần lạc quan, khí thế đấu tranh sục sôi: Mười chín tháng tám khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung/ Mười chín tháng tám ánh sáng tự do đưa tới/ Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng/ Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn...

 

3. Những ca khúc viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, có nhiều bài được sáng tác trước thời điểm diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa, trong đó có ca khúc Lên đàng (nhạc: Lưu Hữu Phước, lời: Huỳnh Văn Tiểng). Đây là một trong những ca khúc bất hủ dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam cho đến tận hôm nay. Ca khúc ra đời vào năm 1944 như lời kêu gọi, cổ vũ thế hệ thanh niên thời điểm bấy giờ hòa vào làn sóng đấu tranh cách mạng. Lên đàng sử dụng âm hưởng truyền thống dân gian với nhịp điệu hành khúc, tiết tấu nhanh, mạnh theo nhịp bước đi nên dễ phổ biến, tạo ra không khí sục sôi, thúc giục thanh niên: Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng/ Kiếm nguồn tươi sáng/ Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông/ Từ nay ra sức anh tài/ Đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng/ Ta người Việt Nam/ Nhìn tương lai huy hoàng/ Đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang...

 

Trong cuốn Lưu Hữu Phước - Con người và sự nghiệp (Nhà xuất bản Trẻ, 1989), nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: “Những năm trước cách mạng, trong phong trào thanh niên và sinh viên yêu nước, tôi đã được biết những bài hát của Lưu Hữu Phước, nhất là Tiếng gọi thanh niên Lên đàng thể hiện khí phách hào hùng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nét nhạc của Lưu Hữu Phước vừa khỏe vừa tươi tắn, mang đậm chất dân tộc và màu sắc Nam Bộ, không thể lẫn. Những bài hát ấy đã vang vọng trên các đường phố Sài Gòn cuồn cuộn hàng chục vạn người khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”.

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp