Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Người trở về - truyện ngắn của VŨ KIM LIÊN

Chủ nhật - 28/05/2023 05:42
Làng Đại hôm nay xôn xao hẳn lên. Dân trong ngõ, ngoài chùa kháo nhau kéo đến đầy sân, đầy nhà khi hay tin cha tôi trở về. Họ tụ tập, bàn tán với nhau dưới bóng râm của hàng cây phi lao, bạch đàn trên những con đường đầy sỏi son và cát trắng về sự kiện này.

Làng Đại hôm nay xôn xao hẳn lên. Dân trong ngõ, ngoài chùa kháo nhau kéo đến đầy sân, đầy nhà khi hay tin cha tôi trở về. Họ tụ tập, bàn tán với nhau dưới bóng râm của hàng cây phi lao, bạch đàn trên những con đường đầy sỏi son và cát trắng về sự kiện này. Họ đến vì nhiều lẽ và cũng là để thỏa lòng hiếu kỳ.

 

Hơn 40 năm trước, cha tôi nằm trong đội hình tình nguyện xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước rồi bỗng dưng thất lạc không rõ tung tích. Mẹ lấy ngày đất nước giải phóng làm ngày giỗ cha.

 

Ngay chính tôi lúc đầu cũng không tin người đàn ông râu quai nón, nói giọng nằng nặng, liên tục rít thuốc lào trong nhà kia là cha mình. Ông hầu như chỉ gật đầu đáp lại những lời chào hỏi của bà con cô bác. Mẹ tôi tíu tít mời chào và đỡ lời khi có người lại gần thăm hỏi. Trông mẹ như trẻ ra. Bao năm nay, mẹ giấu nụ cười vào trong gan ruột, cứ âm thầm làm lụng nuôi con. Mẹ thường xuyên thắp hương cho cha nhưng hình như trong lòng bà không tin là cha tôi đã mất vì ngoài tờ giấy báo tử gửi về địa phương thì không có thêm bất cứ thông tin nào về cha tôi. Gia đình tôi vẫn có ý ngóng trông tin tức về ông. Vậy mà, hôm nay cha đã trở về như người về từ thế giới khác.

 

Bác Chiến - người anh họ xa của cha tôi tập tễnh chiếc chân giả dắt tay cha giới thiệu với từng người. Sau mỗi lời giới thiệu, cha lại gõ gõ cái tẩu thuốc lên đầu rồi ông khà khà vỗ thật mạnh vào vai người mà ông đã nhận ra.

 

* * *

 

Người cùng về với cha tôi có cái tên rất lạ: Yrak. Anh có nước da nâu rắn rỏi, mái tóc xoăn tự nhiên, toát lên vẻ đẹp hoang sơ, mạnh mẽ của người Tây Nguyên. Bằng chất giọng trầm đục, lơ lớ tiếng Kinh, Yrak kể lại cuộc gặp gỡ định mệnh của gia đình anh với cha tôi:

 

Lúc ấy là đầu mùa khô năm 1971. Tổ của Cường (cha tôi) có 3 người, có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống kho lương thực dự trữ cho bộ đội giữa rừng sâu. Hàng ngày họ phải đi tuần tra, kiểm tra kho hàng, đảm bảo đủ quân số dự trữ, không được để thất thoát, hư hỏng. Nhiều tốp biệt kích của địch lần mò đến địa bàn do đơn vị họ bảo vệ nhưng chúng không hề tìm thấy dấu tích nào.

 

Mùa khô, Tây Nguyên thiếu nước trầm trọng. Đơn vị nằm trong rừng sâu, phải đi thật xa mới tìm được nguồn nước. Hôm ấy đến lượt Cường cùng một chiến sĩ trong tổ đi lấy nước. Họ vừa xuống suối lấy được mấy bi đông và mấy ống nước khoác lên vai thì gặp một tốp địch đang phục kích phía bên kia. Hai người chỉ kịp đánh tín hiệu mắt cho nhau rồi tản ra trước khi bọn chúng nổ súng. Quân địch đông, vừa bắn như vãi đạn vừa ào lên hòng bắt sống bộ đội. Cường và người chiến sĩ đi cùng vừa đánh trả vừa rút lui về hướng bí mật.

 

Đang chạy, bỗng thấy Hùng khựng lại, chúi về phía trước, Cường ý thức ngay rằng bạn mình đã bị thương. Nhả ra một tràng AK dài, ông vòng sang, ôm vào lưng người đồng đội kéo đi. Nhưng rồi một viên đạn bay tới găm vào bắp chân Cường, một viên khác vèo qua chẻ đôi vành tai trái. Biết là dắt díu nhau sẽ hy sinh vô ích, Hùng đẩy Cường ngã nhào xuống khe núi còn mình lăn sang hướng khác và dùng súng bắn về phía quân thù, kéo sự chú ý của chúng. Cường lăn vào một hốc đá đầy dây leo chằng chịt, mơ hồ nghe tiếng súng nổ phía xa... Mất hai ngày sau ông mới leo được ra khỏi hốc đá với những vết thương đã bắt đầu tấy mủ. Định hình lại trận chiến xảy ra bữa trước, Cường bắt đầu lần mò về nơi đã xảy ra cuộc đụng độ. Cắn chặt môi ghìm cơn đau, ông vạch từng cành lá, rẽ từng hốc cây tìm Hùng. Vừa đi ông vừa nói thầm với người đồng đội, nếu có hy sinh thì hãy dẫn ông tới nơi đã ngã xuống. Đói, khát, đau đớn khiến Cường ngất lên, ngất xuống. Tỉnh lại là ông vơ đại nắm lá cho vào miệng nhai ngấu nghiến, miếng thì đắp lên vết thương, miếng thì nuốt vào bụng...

 

Cứ thế, rồi Cường cũng tìm thấy Hùng ngay dưới gốc cây xà nu cổ thụ. Thân hình Hùng bị nhiều vết đạn. Trên ngực Hùng có mảnh giấy ghi dòng chữ “Bộ đội Bắc Việt hãy nhìn đây!” của bọn địch để lại. Ông gấp nhỏ tờ giấy nhét sâu vào gấu áo. Vừa an táng bạn, Cường vừa khấn:

 

- Hùng ơi! Hãy nằm lại nơi đây, khôn thiêng hãy phù hộ cho mình tìm được đơn vị. Chúng mình sẽ quay lại đón cậu...

 

Không biết phải mất bao lâu ông mới làm xong phần mộ cho đồng đội. Rừng chiều mênh mông. Tĩnh lặng. Tỉnh dậy, Cường nhằm hướng mặt trời lết đi. Lại tiếp tục rau rừng, củ rừng, ăn để lấy sức tìm về đơn vị. Một mình lê lết giữa rừng sâu, ẩn náu kẻ thù làm Cường mất phương hướng, kiệt sức, gục xuống mê man.

 

...Ông mở mắt khi có ai đó đập mạnh vào vai mình. Người phụ nữ cúi xuống nâng đầu Cường và đặt bát nước vào miệng ông. Cường uống một hơi hết sạch bát nước. Hai người hỏi gì Cường cũng lắc đầu, ông chỉ chiếc áo đang mặc trên người cố giải thích mình là Bộ đội Cụ Hồ. Giống như Cường, hai người cũng lắc đầu nguầy nguậy. Phải đến khi ông ra hiệu bảo họ mang cây súng lại gần, chỉ vào ngôi sao và hàng chữ cái tên ông khắc ở báng súng, họ mới tỏ ra hiểu ý. Sau bao ngày đói khát, được húp nắm cơm nát vợ chồng người Ê Đê đưa cho, ông cảm động vô cùng. Thế rồi ông được vợ chồng họ mang về làng chữa thương. Tai trái của ông hầu như không còn nghe thấy tiếng động, đầu ông đau đớn như có hàng ngàn con ong kéo đến châm chích trong não.

 

Nghe Cường bày tỏ nguyện vọng trở lại tìm đơn vị, vợ chồng Yrut buồn lắm, họ cố nói cho ông hiểu:

 

- Không được đâu, chân bộ đội Cường còn yếu lắm, chưa đi xa được đâu.

 

- Bộ đội biết ơn Yrut và Hbang nhiều lắm, nhưng bộ đội phải về đơn vị thôi. Bộ đội còn phải đi đón thằng Hùng nữa!

 

- Bộ đội Cường cứ ở đây, mình chữa khỏi hẳn, mình với bộ đội sẽ đi đón bộ đội Hùng mà...

 

Yrak lúc ấy còn nhỏ nhưng đã biết thương bộ đội Cường. Nó khóc:

 

- Bộ đội Cường phải ở lại đi đặt bẫy với Yrak!

 

- Ừ, chú Cường sẽ đi đặt bẫy cùng Yrak. Yrak không khóc nữa nhé?

 

Biết có nằn nì cũng không được. Cường đành nín lặng, định bụng ở lại thêm một thời gian ngắn nữa chờ cho vết thương lành hẳn sẽ lên đường. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Làng của Yrut trèo mãi lên núi cao. Cường cũng phải dời đi theo họ. Ông nghiễm nhiên trở thành người con của buôn làng, thành em của Yrut, Hbang. Những trận sốt rét rừng triền miên kéo đến hành hạ ông. Vợ chồng Yrut, Hbang kéo ông lần lượt qua hết mùa rẫy này đến mùa rẫy khác, từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Nhiều lần Yrut cùng ông đi tìm mà không thấy cánh rừng nơi đơn vị ông đóng quân. Càng không thể tìm được nơi đã an táng Hùng trong điều kiện chiến tranh khốc liệt làm biến dạng địa hình, địa vật. Trong tim ông luôn canh cánh lời hẹn trở lại đón Hùng ngày nào. Tờ giấy bọn địch để lại bên thi thể Hùng vẫn được Cường cất giữ cẩn thận. Vậy mà...

 

Giải phóng đã mấy năm mà làng của Yrut vẫn không hay biết. Họ vẫn dắt díu nhau du canh, du cư khắp nơi. Cường được vợ chồng Yrut cưu mang chữa khỏi các vết thương, nhưng viên đạn sượt qua tai lạc vào đầu thì không lấy ra được. Trí nhớ của ông thuyên giảm rất nhanh. Đến khi thạo tiếng của dân làng thì những hình ảnh về quê hương cũng mờ nhạt trong đầu ông...

 

* * *

 

Nhiều lần cùng đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, bác Chiến thường để ý và liên hệ với những nơi đoàn dừng chân để hỏi thăm tin tức về cha tôi xem ông được an táng nơi đâu nhưng không một ai hay biết.

 

Tình cờ, một hôm bác xem truyền hình phát phóng sự về một người thương binh làm giàu bằng nghị lực kiên cường nhưng do không nhớ quê quán, số hiệu đơn vị chiến đấu, không giấy tờ tùy thân, chỉ giữ duy nhất một tờ giấy nhặt được trên người đồng đội lúc hy sinh chứng minh ông là bộ đội từng chiến đấu ở Tây Nguyên, hiện làm con nuôi của một buôn làng Ê Đê ở Đắk Nông. Như có linh tính mách bảo, bác vội ghi lại địa chỉ của người thương binh và nhanh chóng thu xếp chuyến đi Đắk Nông. Bác đem theo tấm ảnh hồi mới nhập ngũ, trong đó có cha tôi. Nhìn tấm ảnh cùng những lời rủ rỉ của bác Chiến, trí nhớ của cha dần tỉnh thức.

 

Và điều may mắn đã xảy ra. Người ấy chính là cha tôi. Giờ ông ngồi đó, trầm ngâm không phải do ông ngại bởi cách phát âm của mình mà bởi cha tôi đang quá đỗi xúc động. Ông đang nhớ chú Hùng và lại lẩm bẩm: Hùng ơi! Hùng ơi!

 

…Nhờ sự tận tình của cha con Yrut, cha tôi đã tìm lại được nơi an táng chú Hùng và đã đưa chú về an nghỉ trong vườn nhà mình dưới bạt ngàn cà phê, hồ tiêu xanh mướt mát. Hàng ngày những đứa con của Yrak cùng ông vui chơi bên cạnh chú Hùng. Căn nhà của cha tôi luôn sực nức hương thơm của hoa, quả bốn mùa. Ngôi nhà của chú Hùng cũng vậy, màu trắng của hoa cà phê, màu vàng của hồ tiêu, màu đỏ của đất bazan mang lại cho cha tôi sự thanh thản đến lạ lùng.

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp