Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Thứ tư - 26/06/2019 22:12
30 năm không phải là quá dài, nhưng đây là khoảng thời gian đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh Phú Yên từ khi tái lập (1/7/1989), thể hiện sinh động trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh..., và đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa.
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

30 năm không phải là quá dài, nhưng đây là khoảng thời gian đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh Phú Yên từ khi tái lập (1/7/1989), thể hiện sinh động trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh..., và đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa.

 

Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh đã tạo được bước chuyển biến mới trên nhiều lĩnh vực: công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; cơ sở vật chất về văn hóa, đặc biệt là ở xã, thôn từng bước được đầu tư xây dựng; phong trào văn hóa văn nghệ ở các địa phương phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của người dân...

 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa

 

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh được ngành Văn hóa đặc biệt quan tâm.

 

Từ năm 2014-2018, mỗi năm có trung bình 5 di tích được xếp hạng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 77 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh); 185 di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể được kiểm kê, gồm các loại hình: tập quán xã hội và tín ngưỡng (54 di sản), nghệ thuật trình diễn dân gian (18 di sản), lễ hội truyền thống (21 di sản), nghề thủ công truyền thống (30 di sản), tiếng nói, chữ viết (1 di sản), ngữ văn dân gian (48 di sản), tri thức dân gian (13 di sản); có 4 di sản được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên (2014), Lễ hội Cầu ngư tỉnh Phú Yên (2015), Nghệ thuật Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na huyện Đồng Xuân (2016), Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên (2018).

 

Đặc biệt, di sản Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7/12/2017. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 5.696 hiện vật thuộc các loại hình: hiện vật thời kỳ tiền sơ sử, văn hóa Chăm Pa, hiện vật về cách mạng kháng chiến và hiện vật về cuộc sống đương đại.

 

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng các dân tộc thiểu số thường xuyên được tổ chức. Ở cấp tỉnh duy trì tổ chức Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc theo định kỳ 3 năm/lần. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như: Liên hoan cồng chiêng ở các xã Krông Pa, xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa); Liên hoan dân ca, nhạc cụ dân tộc, Hội thi nghệ thuật đẽo tượng gỗ và chế tác nhạc cụ dân tộc huyện Sông Hinh; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại các thôn, buôn, xã, thị trấn hàng năm.

 

Ngoài ra, Phú Yên còn tham gia nhiều hoạt động khác như: Ngày hội VH-TT-DL vùng đồng bào dân tộc Chăm theo định kỳ; Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - DSVH Việt Nam năm 2016; Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III năm 2018 tại Quảng Nam… Qua đó, những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, quảng bá rộng rãi.

 

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã được đầu tư nâng cấp và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, hội họp, triển khai các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

 

Trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, 8 thư viện huyện, 62 bưu điện văn hóa xã; 5/9 huyện, thị xã, thành phố có trung tâm VH-TT; 91/112 xã, phường, thị trấn và 532/625 thôn, buôn, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao.

 

Môi trường văn hóa lành mạnh

 

Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa ngày càng được chú trọng và phát huy mạnh mẽ, thực sự đi vào mọi mặt đời sống nhân dân, nâng cao mức thụ hưởng giá trị văn hóa trong nhân dân. Phong trào xây dựng thôn, buôn, khu phố văn hóa được đẩy mạnh; coi trọng xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

 

Việc thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận 51 của Bộ Chính trị (khóa X), Thông tư 04/2011 của Bộ VH-TT-DL về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát.

 

Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày “Sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên” - Ảnh: THIÊN LÝ

 

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động Toàn dân chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới; kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, phê phán những hiện tượng tiêu cực, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.

 

Các phong trào toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh ngày càng phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Người dân ở từng khu dân cư đoàn kết, chăm lo phát triển sản xuất, phát triển sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, thể dục thể thao và thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình.

 

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần tương thân tương ái được các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức quan tâm vào cuộc, khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, làm cho người dân ngày càng ý thức và tự giác trong việc đóng góp trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước ở địa phương.

 

Qua đó ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt - việc tốt, gia đình văn hóa, thôn/buôn/khu phố văn hóa; xây dựng công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn; xây dựng cơ quan, đơn vịvăn hóa. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và mở rộng, tạo mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân; góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo nên động lực quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Chủ động hội nhập quốc tế

 

Sở VH-TT-DL rất quan tâm đến việc giao lưu văn hóa quốc tế nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, DSVH, tiềm năng du lịch Phú Yên với nước ngoài, như: duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động giao lưu văn hóa với Liên đoàn nghệ thuật Chungbuk - Hàn Quốc qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, mỹ thuật; chỉ đạo Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Phú Yên tham gia Liên hoan ca múa nhạc 3 nước Đông Dương, festival Huế, biểu diễn phục vụ một số hội nghị quốc tế, các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc với tỉnh Phú Yên… Đặc biệt, tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017, với sự tham gia của 27 thí sinh đến từ 8 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

 

Ngoài ra, Sở VH-TT-DL đã phối hợp với các ngành, địa phương kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các sản phẩm văn hóa, du lịch; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các làng nghề truyền thống sản xuất các mẫu sản phẩm lưu niệm mới, sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ, từng bước hình thành một số sản phẩm du lịch làng nghề và sản phẩm quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch.

 

Một số sản phẩm đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: gốm, gỗ, ốc mỹ nghệ, vỏ gáo dừa, đá cảnh, sản phẩm đan lát; các sản phẩm lưu niệm có in hình di tích, thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh; các sản phẩm ẩm thực: cá ngừ đại dương, bò một nắng, mực một nắng, nước mắm… đã góp phần vào việc quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa đặc sắc của Phú Yên đến đông đảo người dân và du khách trong nước, quốc tế.

 

Sau 30 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm của các cấp, ngành Văn hóa tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

Việc tổ chức thực hiện các nghị quyết có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của toàn hệ thống chính trị, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Nhận thức của lãnh đạo các ngành, các cấp, của cán bộ, đảng viên và người dân đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa được nâng lên.

 

Kết quả đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, hướng đến xây dựng con người phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nên động lực quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Phạm Văn Bảy

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp