Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Sức sống của trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống

Thứ ba - 21/07/2020 02:41
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 lễ hội của các dân tộc thuộc các loại hình: dân gian truyền thống, lịch sử, danh nhân, tôn giáo với nhiều hoạt động vô cùng đặc sắc.
Sức sống của trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 lễ hội của các dân tộc thuộc các loại hình: dân gian truyền thống, lịch sử, danh nhân, tôn giáo với nhiều hoạt động vô cùng đặc sắc.

 

Các môn thể thao, trò chơi dân gian (TCDG) hầu hết đều xuất phát từ chính đời sống văn hóa, lịch sử phát triển và những triết lý dân gian các dân tộc vùng miền đó; thường được tổ chức trong các dịp lễ, Tết và luôn thu hút nhiều người tham gia. Mỗi môn thể thao, TCDG vừa là hoạt động giải trí vừa là dịp để thi thố tài năng của các nghệ nhân trong vùng.

 

Tăng cường tình đoàn kết

 

Lễ hội Đền Lương Văn Chánh diễn ra vào mùng 6/2 âm lịch hàng năm tại thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Đây là một trong những lễ hội có nhiều môn thể thao và TCDG được người dân ưa thích và tham gia. Mỗi lần lễ hội diễn ra, ban tổ chức đã cố gắng, nỗ lực trong việc lựa chọn và thay đổi các nội dung trong phần hội để tạo sự vui tươi, phấn khởi cho người dân và du khách khi về tham gia lễ hội. “Đối với các đơn vị tham gia lễ hội, tổ chức các môn thi thể thao và TCDG như: kéo co nam nữ, bóng chuyền, chạy cà kheo, nhảy thụng, vật tay, chạy ba chân, bắt vịt dưới ao, bắt cá dưới ao, bắt lươn trong chum, bịt mắt bắt gà, cưỡi ngựa giật cờ, qua cầu khỉ, leo trụ chuối... Đối với người dân và du khách, tổ chức các TCDG có quà tặng như: đập ấm, bong bóng mùa xuân...”, ông Lương Công Trình, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Hòa cho biết.

 

Chị Nguyễn Thị An ở thị trấn Phú Hòa, chia sẻ: “Các TCDG không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi. Còn các môn thể thao truyền thống lại không nặng về ăn thua, tranh giành quyết liệt mà chủ yếu mang ý nghĩa giải trí, tăng cường tinh thần đoàn kết nhiều hơn. Vì vậy, mỗi lần lễ hội Đền Lương Văn Chánh diễn ra có nhiều người háo hức tham gia và cổ vũ những người chơi các môn thể thao, TCDG truyền thống này”.

 

Lễ hội Đền Lê Thành Phương được tổ chức trong hai ngày 27 và 28 tháng Giêng hàng năm tại thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An cũng là một trong những lễ hội lớn của tỉnh mang đậm nét văn hóa truyền thống với phần lễ và phần hội rất đặc sắc có từ lâu đời và ngày càng được du khách biết đến, yêu thích. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Tuy An Phan Quang Phi cho biết: “Bên cạnh phần nghi lễ truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của nhà chí sĩ cách mạng Lê Thành Phương cùng một số sĩ phu, văn thân yêu nước, nghĩa quân ở tỉnh Phú Yên trong phong trào hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược, lễ hội còn hội tụ nhiều TCDG mang đậm sắc thái văn hóa của người dân địa phương như: cờ tướng, cờ người, kéo co, nhảy dây, nhảy thụng, bịt mắt bắt dê... và hội đánh bài chòi”.

 

Ngoài hai lễ hội trên và các lễ hội khác của đồng bào người Kinh, vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm, Sở VH-TT-DL phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân tổ chức Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc thiểu số với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, hấp dẫn như: trình diễn lễ hội truyền thống; trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; trình diễn ẩm thực và thi đấu các môn thể thao như: đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co... thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số (chủ yếu là Chăm và Ba Na) tham gia và cuốn hút du khách gần xa.

 

Phát huy nét văn hóa độc đáo

 

Theo ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT-DL), tại các lễ hội truyền thống, thông qua các môn thể thao, các TCDG truyền thống của đồng bào các dân tộc ở mỗi vùng miền góp phần phô diễn các nét văn hóa độc đáo đến với du khách. Vì vậy, việc duy trì tổ chức các môn thể thao, các TCDG truyền thống tại các lễ hội tạo sân chơi hấp dẫn, lôi cuốn người dân tham gia, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, các môn thể thao, TCDG cũng tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài tỉnh; tạo sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa với thể thao và du lịch khám phá, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

 

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Từ Nhân, để đưa các môn thể thao, các TCDG truyền thống trở thành một nội dung trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng thì các cấp, ngành chuyên môn cần rà soát, nghiên cứu và hướng đến việc bảo tồn các môn thể thao, các TCDG đang có nguy cơ mai một. Đồng thời tạo điểm nhấn độc đáo khi du khách đến trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp du lịch cộng đồng nói riêng và du lịch Phú Yên nói chung có nhiều cơ hội để phát triển. 

 

Hiện nay, ngành VH-TT-DL rất quan tâm, chú trọng tới việc giữ gìn, bảo tồn các môn thể thao, TCDG truyền thống của địa phương. Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo các phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các giải thi đấu thể thao cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều giải thể thao cấp tỉnh cũng được tổ chức, nổi bật như Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên, nhiều môn thể thao truyền thống được đưa vào thi đấu như: đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo… và thi diễn các TCDG.

 

Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp