Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh là xu hướng không thể đảo ngược

Thứ bảy - 26/12/2020 14:09
Thế giới ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ 80 triệu sáng 25/12, đúng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới tại châu Âu và Mỹ.
Virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh là xu hướng không thể đảo ngược

Thế giới ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ 80 triệu sáng 25/12, đúng kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới tại châu Âu và Mỹ.

 

Danh sách bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu dài thêm 10 triệu người sau 14 ngày, ngắn hơn hai ngày so với thời gian số ca mắc tăng từ 60 triệu lên 70 triệu. Tốc độ lây lan virus nhanh hơn có lẽ đang là xu hướng không thể đảo ngược, nếu so với thời gian 18 ngày từ mốc 50 triệu lên 60 triệu ca và 20 ngày từ 40 triệu lên 50 triệu ca.

 

Trong khi đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa xuất hiện tại một số nước khiến cho mùa Giáng sinh đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát càng trở nên u ám, dù các chiến dịch tiêm chủng đại trà vắcxin đã được triển khai ở nhiều nơi.

 

Vùng tâm dịch của thế giới - Mỹ ghi nhận hơn 19,2 triệu ca mắc, với trên 338.000 ca tử vong. Trong đêm Giáng sinh, California là bang đầu tiên tại Mỹ có tổng số ca mắc vượt 2 triệu.

 

Khi hơn 84 triệu người Mỹ đã lên kế hoạch đi du lịch và sum họp gia đình dịp Giáng sinh, giới chuyên gia lo ngại tình hình dịch bệnh tại nước này sẽ tiếp tục phức tạp. Dù vậy, việc Mỹ bắt đầu tiêm đại trà vắcxin ngừa COVID-19 có lẽ cũng tạo tâm lý lạc quan. Nhiều người Mỹ trông đợi vắcxin có thể khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

 

Theo cam kết của giới chức Mỹ, đến cuối năm 2020 sẽ có 20 triệu người tại Mỹ được tiêm chủng, song đến ngày 23/12, mới chỉ có 1,1 triệu người được tiêm mũi đầu tiên trong tổng số hai mũi.

 

Tại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang vật lộn với đợt bùng phát dịch mới. Dù đã ban hành các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus trong mùa Đông, Hàn Quốc vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trung bình hơn 1.200, chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Chính quyền thủ đô Seoul và vùng phụ cận đã quy định cấm tụ tập từ 5 người trở lên, trong khi Chính phủ Hàn Quốc đóng cửa các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và các địa điểm nổi tiếng ngắm bình minh vào ngày đầu năm mới.

 

Sáng 25/12, Nhật Bản ghi nhận thêm hơn 3.800 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp, khiến nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải ngày càng hiện hữu.

 

Tại Đông Nam Á, số ca mắc mới theo ngày tại Indonesia vẫn duy trì hơn 7.200. Thái Lan đang đau đầu với đợt dịch bùng phát dịch ở chợ hải sản lớn nhất nước, nơi tập trung lao động nhập cư từ Myanmar.

 

Đặc biệt, châu Âu đã đón “Giáng sinh phong tỏa” khi nhiều nước phải siết chặt các biện pháp hạn chế để chặn đứng nguy cơ xâm nhập của biến thể mới, khác với chủng virus lần đầu tiên bùng phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi đầu năm.

 

Italy là quốc gia mới nhất thực thi các quy định "vùng đỏ" trên cả nước sau khi số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trong những ngày cuối năm, theo đó các biện pháp phong tỏa chống dịch sẽ được duy trì trong suốt kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới kéo dài đến ngày 6/1/2021.

 

Không khí mừng Giáng sinh và Năm mới ở nhiều nước trầm lắng hơn do lệnh phong tỏa, đặc biệt khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Anh khiến dư luận lo lắng. Anh đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới có tên gọi là VUI-202012/01, mà các nhà khoa học ước tính có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn tới 70%.

 

Biến thể mới ban đầu được phát hiện tại hạt Kent (Đông Nam xứ England) và vùng đô thị Đại London lân cận vào tháng 9/2020, sau đó tiếp tục lây lan khắp Vương quốc Anh và đến ngày 25/12 đã xuất hiện tại ít nhất tám nước châu Âu là Bỉ, Italy, Iceland, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Sĩ; cùng với Úc, Israel, Singapore…

 

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng vừa thông báo phát hiện một biến thể mới thứ hai của virus SARS-CoV-2 ở hai bệnh nhân có tiếp xúc với những người đã từng tới Nam Phi. Theo ông, biến thể mới được cho là xuất phát từ Nam Phi thậm chí có khả năng lây lan cao hơn và dường như đã biến đổi nhiều hơn.

 

Trong khi chưa có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ về biến thể mới của virus, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tái áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt đối với khoảng 38 triệu dân nước này. Như một biện pháp phòng vệ, hơn 40 quốc gia cũng đã cấm hoặc hạn chế đi lại với Anh nhằm ngăn chặn biến thể mới xâm nhập.

 

Đây không phải lần đầu tiên phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bởi virus biến đổi theo thời gian là điều hết sức bình thường. Tháng 2/2020, biến thể D614G của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại châu Âu và sau đó lan nhanh trên thế giới.

 

Một biến thể khác là A222V cũng lây lan khắp châu Âu, được cho là xuất phát sau kỳ nghỉ Hè của những người đến Tây Ban Nha.

 

Tháng 11 vừa qua, Đan Mạch phát hiện chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 tại các trang trại nuôi chồn và đã lây sang người, buộc nhà chức trách phải tiêu hủy 17 triệu con chồn nuôi ở nước này. Một biến thể tương tự, xuất hiện riêng rẽ nhưng có điểm chung đột biến ở protein gai giống như biến thể tại Anh, được phát hiện tại Nam Phi.

 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện biến thể mới vừa xuất hiện ở Anh rất khác so với hơn 100.000 biến thể của virus gây bệnh COVID-19. Giới chuyên gia nhấn mạnh điều đáng lo ngại là những đột biến ở protein gai của virus giúp chúng nhân lên nhanh chóng và lây lan với tốc độ mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người cần điều trị y tế và dẫn đến nguy cơ quá tải tại các bệnh viện.

 

Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 20/9 đến giữa tháng 11 vừa qua, 26% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước Anh nhiễm biến thể VUI-202012/01 và tính đến hết tuần đầu tiên của tháng 12, có đến 60% tổng số ca mắc tại London nhiễm biến thể mới.

 

Một điều đáng lưu ý nữa, theo Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge, khác với những biến thể trước đây, VUI-202012/01 có khả năng lây lan ở các nhóm trẻ tuổi hơn.

 

Một số chuyên gia cho rằng các biến thể mới của virus lây lan rộng đơn giản là do chúng tồn tại ở “đúng nơi, đúng thời điểm," chẳng hạn ở London khi đó mới chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế cấp độ hai trước khi nâng mức độ giãn cách lên cấp độ bốn. Virus tồn tại trong những điều kiện nhất định như sống trong cơ thể bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm hoặc được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau dẫn đến sự đột biến.

 

Trên hết, sự đột biến của virus khiến người ta lo ngại sẽ làm giảm tính hiệu quả của thuốc điều trị và vắcxin phòng bệnh bởi đa số những loại dược phẩm này được bào chế để nhắm vào protein gai mà virus SARS-CoV-2 dùng để xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh, do đó các nhà sản xuất dược phẩm sẽ có thể lại tiếp tục chạy đua với những biến thể khó lường.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp