* Nhật Bản tiếp tục tham gia các dự án năng lượng lớn của Nga
Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị đưa ra giải pháp cho các nhà nhập khẩu khí đốt của khối này để tránh vi phạm lệnh trừng phạt khi mua nhiên liệu từ Nga và vẫn đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thanh toán bằng đồng ruble.
Theo những nguồn tin thân cận về vấn đề trên, trong hướng dẫn mới về thanh toán khí đốt, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng các doanh nghiệp nên tuyên bố rõ ràng rằng họ coi các nghĩa vụ của mình đã hoàn thành sau khi thanh toán bằng đồng euro hoặc USD theo các hợp đồng hiện có. Hướng dẫn này không ngăn cản các doanh nghiệp mở tài khoản tại Gazprombank.
Các công ty châu Âu đã vật lộn trong nhiều tuần để tìm ra giải pháp đáp ứng yêu cầu của Nga đồng thời duy trì nguồn cung khí đốt quan trọng mà không vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Nga.
Ngày 31/3, ông Putin cho biết nếu các khoản thanh toán khí đốt không được thực hiện bằng đồng ruble, việc xuất khẩu mặt hàng này sẽ bị ngừng lại.
Hiện châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Nga để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm cho các ngôi nhà và cung ứng cho ngành điện.
Dự kiến, các hướng dẫn mới sẽ làm rõ rằng các doanh nghiệp có thể mở tài khoản bằng đồng euro hoặc USD tại Gazprombank theo yêu cầu của Nga. Tuy nhiên, cơ quan điều hành của EU đã không cho biết việc có tài khoản bằng đồng ruble - một bước có trong sắc lệnh của Nga, có phù hợp với các quy định của EU hay không.
Trước đây, các quan chức từng cho rằng việc mở một tài khoản như trên sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt. Một điểm quan trọng khác trong hướng dẫn là một khi các công ty châu Âu thực hiện thanh toán bằng đồng euro hoặc USD và tuyên bố đã hoàn thành nghĩa vụ của họ, phía Nga sẽ không thực hiện thêm hành động nào đối với họ về khoản đã thanh toán.
Nhiều doanh nghiệp có thời hạn thanh toán vào cuối tháng này và nếu họ không thanh toán, nguồn cung khí đốt có thể bị cắt. Ba Lan và Bulgaria đã bị cắt nguồn cung sau khi không tuân thủ yêu cầu của Nga.
Sắc lệnh của ông Putin kêu gọi các công ty mở hai tài khoản với Gazprombank - một tài khoản bằng euro và một bằng đồng ruble, và quy định rằng các khoản thanh toán khí đốt sẽ không được giải quyết cho đến khi euro được chuyển đổi thành ruble.
Nga đã làm rõ sắc lệnh của mình vào đầu tháng này, với việc nêu rõ rằng các khoản thanh toán nhận được bằng ngoại tệ sẽ được đổi sang đồng ruble thông qua tài khoản với Trung tâm thanh toán bù trừ quốc gia của Nga và Gazprom cung cấp cho người mua sự đảm bảo bổ sung rằng ngân hàng trung ương sẽ không tham gia quá trình chuyển đổi.
* Nhật Bản không có kế hoạch rút khỏi hai dự án năng lượng lớn ở ngoài khơi đảo Sakhalin của Nga và chính sách này không đi ngược với các biện pháp trừng phạt Tokyo áp đặt đối với Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seiji Kihara đưa ra lời khẳng định trên khi nói tới quan hệ với Nga. Theo hãng tin Kyodo, phát biểu ngày 15/5 trên đài truyền hình NHK, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kihara nêu rõ nếu Nhật Bản từ bỏ cổ phần, Nga sẽ kiểm soát và việc nhập khẩu năng lượng có thể "tốn kém hơn" đối với Tokyo trong thời gian dài.
Ông cũng nói thêm nếu các nước khác có được cổ phần của Nhật Bản trong các dự án dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng (LNG) Sakhalin 1 và 2, có khả năng những nước không áp đặt trừng phạt chống Nga sẽ hưởng lợi.
Khi được hỏi về khả năng Nhật Bản siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga bằng cách loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu LNG của nước này, ông Kihara cho biết chính phủ sẽ "cân nhắc vấn đề này khi cần thiết" dựa trên sự thống nhất trong Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7), bao gồm cả Anh, Đức và Mỹ.
Với các quốc gia phát triển lớn khác trong G7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây tuyên bố "về mặt nguyên tắc", Tokyo sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Moscow. Tuy nhiên, ông khẳng định các dự án về Sakhalin, một đảo lớn ở phía bắc quần đảo Nhật Bản, có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của nước này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho rằng sẽ là thách thức đối với Nhật Bản và các nước châu Âu nếu cấm nhập khẩu LNG của Nga trong tương lai nếu không tìm được các nhà cung cấp thay thế. Năm 2021, có tới 40% lượng LNG tiêu thụ tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là nhập khẩu từ Nga, trong khi 9% lượng LNG tiêu thụ tại Nhật Bản cũng là nhập từ nước này.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)