Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với ngành Du lịch

Chủ nhật - 27/12/2020 00:37
Mới đây, tại Quảng Nam, Trường đại học Nội vụ Hà Nội (Phân hiệu tại Quảng Nam) tổ chức hội thảo khoa học chủ đề: Nguồn nhân lực du lịch miền Trung - Tây Nguyên.
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với ngành Du lịch

Mới đây, tại Quảng Nam, Trường đại học Nội vụ Hà Nội (Phân hiệu tại Quảng Nam) tổ chức hội thảo khoa học chủ đề: Nguồn nhân lực du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Thông điệp từ hội thảo nhấn mạnh: Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch, quyết định đến chất lượng sản phẩm địa phương, vùng, đất nước.

 

Chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội

 

TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc phân hiệu cho biết: Hội thảo đã nhận được 25 bài tham luận, 20 ý kiến đóng góp bằng văn bản của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và giảng viên các trường đại học, cao đẳng; lãnh đạo và cán bộ quản lý trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. 7 tham luận và 8 lượt ý kiến được trình bày trong hội thảo.

 

Theo PGS.TS Hoàng Sĩ Nguyên, nguồn nhân lực du lịch có hai nhóm chính, nhóm gián tiếp là lực lượng lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu với yêu cầu phải có năng lực trong lãnh đạo, quản lý, phải có tầm nhìn, nhạy bén về xu hướng, triển vọng của ngành Du lịch trong nước và quốc tế. Phải biết sử dụng, giữ chân, thu hút người tài, có khả năng cống hiến và sáng tạo cho sự phát triển bền vững của ngành. Nhóm nhân lực trực tiếp bao gồm bộ phận hướng dẫn viên, lễ tân, phục vụ buồng, bàn, đầu bếp…, với yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề, khả năng sáng tạo, kỹ năng sống, phối hợp công việc, biết vận dụng công nghệ tiên tiến phù hợp, đặc biệt là kiến thức về lịch sử, văn hóa, giỏi ngoại ngữ. Nhìn tổng quát, nguồn nhân lực ngành Du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã có sự đầu tư, nâng tầm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. TS Lê Thu Hương nhấn mạnh: Đội ngũ nhân lực du lịch có chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, lễ tân. Đặc biệt là thiếu hướng dẫn viên có chuyên môn ngoại ngữ: tiếng Nhật, Trung, Hàn, Thái. Các đơn vị làm du lịch đang thiếu nguồn nhân lực tổ chức, quản lý, điều hành du lịch chất lượng cao; lực lượng lao động du lịch lành nghề cũng còn thiếu rất nhiều, đây là những bất cập cần sớm khắc phục để ngành Du lịch phát triển mạnh và bền vững.

 

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Đặng Phan Triều Vân, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Phú Ninh - Quảng Nam cho biết: Nguồn nhân lực du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cần được đào tạo về nhận thức, kiến thức nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm để có thể lan tỏa thành phương thức thực hành du lịch có trách nhiệm, hướng tới sự phát triển du lịch bền vững. Các địa phương thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biển bãi ngang do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn những bất cập, cần sự trợ giúp thiết thực đối với người lao động trong hoạt động kinh doanh du lịch là tổ chức miễn phí các chương trình đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng làm du lịch, hỗ trợ nâng cao trình độ nghề cho người lao động, dần dần chuyên môn hóa và chính thức hóa lực lượng lao động. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế trong việc thu hút cộng đồng tham gia hoạt động du lịch, mặt khác cần nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho cộng đồng để họ có ý thức bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn tại địa bàn sinh sống một cách bền vững.

 

Hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: ANH SƠN

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

 

TS Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nội vụ Hà Nội, nhận xét: Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và lợi thế trong liên kết phát triển du lịch, khi kết hợp giữa hai nền văn hóa và địa lý khác nhau, bổ sung, tạo sự đa dạng, độc đáo với sản phẩm du lịch “biển - rừng”. Miền Trung với “con đường di sản” đã mang đến cho du khách những cảm nhận tuyệt vời về danh lam thắng cảnh gắn với biển đảo, những di tích lịch sử, văn hóa, những lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc cùng những món ẩm thực đậm đà hương vị cảm xúc duyên hải, thì Tây Nguyên sẽ là những trải nghiệm, khám phá độc đáo của văn hóa đại ngàn cao nguyên. Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã ký kết khá nhiều chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực và toàn quốc. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ngành Du lịch tại miền Trung - Tây Nguyên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vì vậy tập trung nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch tại khu vực này là một sự đầu tư cần thiết.

 

Theo đó cần chú trọng đào tạo có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên đào tạo đội ngũ lao động quản lý và đội ngũ chuyên trách trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Thiết kế chương trình đào tạo/dạy nghề tiếp cận theo chuẩn đầu ra - năng lực cốt lõi của mỗi vị trí việc làm gắn với thực tế thị trường lao động. Đồng thời hướng đến tính “mở”, “linh hoạt”, phù hợp cho việc áp dụng vào từng đối tượng cụ thể. Biên soạn chương trình môn học, bài giảng, giáo trình các học phần/môn học/mô-đun chuyên môn theo hướng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành. Trong đó, thời lượng dành cho phần thực hành chiếm từ 70-75% tổng thời gian học tập.

 

Thay đổi phương pháp giảng dạy của giảng viên, học tập của sinh viên theo hướng tích cực, chủ động. Nội dung bài giảng của giảng viên phải được thiết kế mang tính trực quan, sinh động và cụ thể với các mẫu, phiếu, biểu, hình ảnh, phim… gắn với thực tế nghề nghiệp, gắn với doanh nghiệp.

 

Thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá trên cơ sở đánh giá năng lực, bao gồm cả ba yêu cầu: kỹ năng, kiến thức, thái độ. Tập trung chủ yếu vào việc đánh giá về chuyên môn nghiệp vụ và giao tiếp ngoại ngữ. Gắn kết giữa cơ sở đào tạo/dạy nghề với doanh nghiệp du lịch trong quá trình đào tạo, thực hành, thực tập của học sinh/sinh viên để tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động sau tốt nghiệp.

 

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, đánh giá toàn diện về hệ thống cơ sở đào tạo du lịch phù hợp với yêu cầu phát triển ngành, có tham khảo hệ thống đào tạo ở các nước có du lịch phát triển để đảm bảo cơ cấu đào tạo du lịch ở các cấp là hợp lý, phù hợp với các chuẩn mực chung của khu vực và quốc tế. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư về giáo dục, đào tạo và dạy nghề du lịch. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh, đặc biệt là sự phối hợp giữa Sở VH-TT-DL, Sở LĐ-TB-XH và nhà trường, nhất là trong “chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. 

 

Nguồn nhân lực ngành Du lịch tại miền Trung - Tây Nguyên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vì vậy tập trung nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch tại khu vực này là một sự đầu tư cần thiết.

 

TS Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nội vụ Hà Nội

 

ThS NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp