Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Cái giá phải trả cho những kẻ hoang đường

Thứ năm - 07/03/2019 17:08
Ngày 30/11/2017, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, TAND cấp cao xét xử phúc thẩm và tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ngày 30/11/2017, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, TAND cấp cao xét xử phúc thẩm và tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 

Theo cáo trạng, trong nhiều năm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sử dụng facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ, xuyên tạc, đả kích, phê phán, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; nhiều lần trả lời phỏng vấn của các báo, đài, truyền thông nước ngoài, xuyên tạc tình hình trong nước trên các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, chính trị, quốc phòng, ngoại giao, pháp luật, các vấn đề dân chủ, nhân quyền: Năm 2014, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh soạn thảo và đăng tải tập tài liệu “Stop police killing civilians” mang quan điểm, lập trường rất thù địch với lực lượng Công an nhân dân.

 

Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn nhiều lần đứng ra tổ chức hoặc tham gia các hoạt động, sự kiện nhằm kích động, xúi giục người dân chống đối Nhà nước; tàng trữ tại nơi ở một số văn hóa phẩm có nội dung xuyên tạc, đả kích chế độ XHCN, kích động nhân dân phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Ngoài Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thời gian qua còn nhiều trường hợp khác có hành vi tương tự như Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Hữu Quốc Duy… đã bị tòa án các cấp đưa ra xét xử. Và cũng “tuồng tích cũ”, mỗi khi cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành truy tố, xét xử những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật như: hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79 Bộ luật Hình sự), tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (Điều 88) hay lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (Điều 258)… thì ngay sau đó một số tổ chức, cá nhân chống đối trong và ngoài nước lại lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, họ vu cáo Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của công dân với những lý lẽ, luận điệu hết sức phi lý.

 

Tại tỉnh Phú Yên, trường hợp Võ An Đôn (vừa bị kỷ luật với hình thức xóa tên khỏi danh sách Đoàn luật sư Phú Yên) cũng không nằm ngoài sự điều khiển, hướng lái từ các thế lực chống đối. Được tâng bốc, ca ngợi và ủng hộ mạnh mẽ về tài chính, Đôn thường xuyên thể hiện quan điểm trên mạng xã hội, trả lời phỏng vấn báo chí, tổ chức, cá nhân nước ngoài với những nội dung xuyên tạc, vu khống, đả kích nền tư pháp Việt Nam và các cơ quan tiến hành tố tụng, bôi nhọ thể chế, xúc phạm lãnh tụ, kích động dư luận lên tiếng trước những vụ án mà các đối tượng xấu cho là còn “bất công, áp đặt”.

 

Đôn còn cho rằng các điều luật của Bộ luật Hình sự Việt Nam (điều 79, 88, 258) là mơ hồ, mang tính áp đặt, vi phạm quyền tự do ngôn luận, các cơ quan chức năng lạm dụng để xử lý… Với tư cách là luật sư, trước những vấn đề cơ bản về quyền tự do ngôn luận, về hệ thống pháp luật, hơn ai hết Võ An Đôn phải nêu cao vai trò trách nhiệm, tích cực tham gia góp ý xây dựng trên các diễn đàn chính thống…

 

Tuy nhiên, Đôn đã lợi dụng mạng xã hội để thể hiện quan điểm chủ quan một cách ấu trĩ, bịa đặt trắng trợn, chỉ biết nhìn vào những điều khoản, quy định về quyền lợi mà cố tình bỏ qua nhiều điều khoản, quy định khác về nghĩa vụ kèm theo khi thực hiện các quyền đó.

 

Mới đây nhất, trước những hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Đôn ấu trĩ cho rằng “Việc Quỳnh làm là đúng theo quy định của pháp luật, có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển xã hội. Quỳnh có quyền tự do ngôn luận, có quyền nêu lên chính kiến của mình, việc bắt giữ Quỳnh là sự trấn áp của chính quyền đối với những người có ý kiến trái chiều”.

 

Về vấn đề quyền tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền, luật pháp quốc tế cũng đã quy định: Điều 2 của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền được thông qua ngày 10/12/1948 nêu rõ: “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản tuyên ngôn này”, cùng với đó, Khoản 2 Điều 29 của Tuyên ngôn này cũng quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra, ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

 

Tương tự, Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 16/12/1966 và có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”, nhưng việc thực hiện những quyền trên phải: “Kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.

 

Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

 

Trong quá trình xây dựng pháp luật, Việt Nam luôn coi trọng việc nghiên cứu các quy định của luật pháp quốc tế để vận dụng phù hợp vào thực tiễn. Mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình, song quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của người khác và lợi ích của quốc gia, dân tộc.

 

Việc quy định các chế tài để hạn chế và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng quyền tự do cá nhân để xâm hại đến lợi ích chính đáng như trong Bộ luật Hình sự Việt Nam (tại các điều 79, 88, 258...) và nhiều văn bản pháp luật khác là cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các giá trị chuẩn mực của xã hội.

 

Nếu ai đó nói rằng: “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận” là hành động vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt; tổ chức, cá nhân nào đội lốt “bảo vệ nhân quyền”, đòi trả tự do cho những đối tượng bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật là hành vi xem thường pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế.

 

Những bài viết, phát biểu của Võ An Đôn cũng như các thế lực chống đối vừa qua về vấn đề tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền không chỉ vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn đi ngược lại với tinh thần của luật pháp quốc tế, là biểu hiện của chủ nghĩa tự do cực đoan, của tình trạng tự do vô chính phủ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.

 

Và với những gì Đôn đã thực hiện, thì việc xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên là lẽ thường tình với một kẻ đội lốt luật sư nhưng nhận thức còn quá non kém, ấu trĩ, thậm chí hoang đường. Nếu Đôn không nhận ra sai lầm mà tiếp tục phụ họa theo các luận điệu sai trái, thù địch, thì chắc chắn khi đó, pháp luật vốn dĩ rất nghiêm minh.

 

CÔNG MINH

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp