Cẩn thận với khớp thái dương hàm

Thứ hai - 07/11/2022 03:23
Có những thói quen tưởng như vô hại nhưng lại gây phiền toái, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe. Thói quen cắn bút, nhai một bên hàm, nghiến răng... gây áp lực lên khớp hàm, cơ hàm và có thể dẫn đến hệ lụy.

Có những thói quen tưởng như vô hại nhưng lại gây phiền toái, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe. Thói quen cắn bút, nhai một bên hàm, nghiến răng... gây áp lực lên khớp hàm, cơ hàm và có thể dẫn đến hệ lụy.

 

Nghe con gái than đau - dù không bị va đập, té ngã - và chẳng thể há to miệng, khi nhai thì có tiếng lục cục ở phía trước tai, chị N.T.L (phường 1, TP Tuy Hòa) rất lo. Nghĩ rằng con bé có vấn đề về xương khớp, chị đưa con đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên khám răng hàm mặt. Bác sĩ chẩn đoán con bé bị rối loạn khớp thái dương hàm - một chứng bệnh mà chị L chưa từng nghe nói đến.

 

“Thoạt đầu, tôi rất hoang mang lo lắng. Sau khi nghe bác sĩ giải thích, tư vấn kỹ lưỡng, tôi mới bình tâm trở lại và thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc”, chị L cho biết. Bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn các biện pháp vật lý trị liệu để mẹ con chị thực hiện tại nhà, đồng thời nhắc nhở bệnh nhi thay đổi một số thói quen có thể gây áp lực lên khớp hàm, cơ hàm.

 

Theo y văn, khớp thái dương hàm nằm ở hai bên đầu, ngay phía trước tai, kết nối xương hàm dưới thuộc xương hàm với xương thái dương thuộc hộp sọ. Khớp thái dương hàm có thể xoay và di chuyển về phía trước, phía sau, từ bên này sang bên kia, được coi là một trong những khớp phức tạp, tinh vi trong cơ thể. Khớp thái dương hàm kết hợp với các cơ và dây chằng cho phép ta nhai, nuốt, nói và ngáp. Khi gặp vấn đề với cơ, xương hoặc các mô khác ở khu vực trong và chung quanh khớp thái dương hàm, có thể bạn bị chứng rối loạn khớp thái dương hàm.

 

Có nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn khớp thái dương hàm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền (Phòng Khám răng hàm mặt, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên) cho biết: Có thể do dây chằng khớp lỏng lẻo; do va chạm, chấn thương; do quá trình điều trị, thẩm mỹ răng không đúng cách... Ngoài ra, còn phải kể đến một số thói quen như cắn bút, nhai một bên hàm, nghiến răng khi ngủ, nghiến răng khi căng thẳng... tạo áp lực lên khớp hàm và cơ hàm.

 

Đáng chú ý là tỉ lệ phụ nữ bị rối loạn khớp thái dương hàm cao hơn nam giới. Các nhà khoa học đang xem xét mối liên hệ giữa nội tiết tố nữ estrogen với chứng rối loạn này.

 

Theo bác sĩ Sử Phương Phương (Phòng Khám răng hàm mặt, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên), dấu hiệu của chứng rối loạn khớp thái dương hàm là đau ở vùng phía trước tai, khi há miệng có tiếng kêu lục cục ở khớp hàm; có trường hợp bệnh nhân không há miệng được vì đau (há miệng hạn chế - biên độ há nhỏ hơn 40mm); khả năng vận động hàm kém; há lệch hàm... Khi có những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ răng hàm mặt để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị bằng thuốc - nếu cần.

 

Hầu hết các trường hợp rối loạn khớp thái dương hàm giai đoạn đầu đều tự khỏi mà không cần điều trị. Để giúp xoa dịu cơ hàm bị đau, người bệnh được hướng dẫn đặt một miếng gạc lạnh hoặc ấm lên quai hàm và nhẹ nhàng xoa nắn cơ hàm. Bác sĩ khuyên người bệnh nên cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ và tránh thức ăn cứng, dai hoặc dính; không nhai một bên hàm; lưu ý thả lỏng cơ hàm. Nếu người bệnh có cảm giác đau nhiều thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau và giãn cơ.

 

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, thỉnh thoảng bác sĩ răng hàm mặt vẫn gặp những bệnh nhi bị rối loạn khớp thái dương hàm, thường là rối loạn nhẹ. Bác sĩ Sử Phương Phương cho biết: Trong trường hợp chứng rối loạn khớp thái dương hàm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn họ sử dụng dụng cụ hỗ trợ: Đeo máng nhai. Dụng cụ này được làm bằng nhựa trong, đo sao cho vừa khít với bề mặt cắn của răng để người bệnh cắn vào máng. Việc đeo máng nhai sẽ giúp cho khớp hàm và cơ hàm được thư giãn, tránh áp lực.

 

Nếu rối loạn khớp thái dương hàm nghiêm trọng, bệnh nhân khó mở hàm thì phải điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này hiếm khi được sử dụng.

 

Để bảo vệ khớp thái dương hàm, bác sĩ khuyến cáo nên tránh căng thẳng; không nhai một bên hàm; không nghiến răng, cắn bút; không ăn thức ăn cứng, dai... “Khi có những vấn đề về răng miệng, người bệnh nên đến cơ sở y tế hoặc các phòng khám nha khoa uy tín để khám răng, tránh tình trạng điều trị sai dẫn đến rối loạn khớp thái dương hàm”, bác sĩ Thu Hiền lưu ý.

 

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp