Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Giáo dục truyền thống từ những thước phim

Thứ ba - 29/12/2020 01:09
Tuần phim cách mạng do Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh tổ chức là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020) và chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Giáo dục truyền thống từ những thước phim

Tuần phim cách mạng do Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh tổ chức là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020) và chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Tuần phim khẳng định vai trò của sức mạnh dân tộc và phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, từ đó giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ.

 

Những thước phim lịch sử quý giá

 

Những ngày qua, tại rạp chiếu phim Hưng Đạo (188-190 Trần Hưng Đạo, phường 3, TP Tuy Hòa), Trung tâm VH-ĐA tỉnh tổ chức chiếu 2 suất mỗi ngày, gồm: suất 14 giờ và suất 19 giờ. Khán giả đến đây được thưởng thức những thước phim ý nghĩa của điện ảnh cách mạng Việt Nam như: Đường xuyên rừng, Sinh mệnh, Đường về quê mẹ, Đường thư.

 

Đường xuyên rừng là phim dựa theo tác phẩm Con đường xuyên rừng của nhà văn Lê Văn Thảo - tác phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012. Phim kể về cuộc gặp mặt tình cờ trong chiến tranh khốc liệt của một nữ văn công (Thu Hà), một Vinh trầm tĩnh, hai vợ chồng Tư Nghệ, nhà văn địa phương Chín Nếp, bác sĩ Ba Quang hồn hậu, mộc mạc và nhóm 5 chiến sĩ thông tin đang thừa hành nhiệm vụ bí mật. Họ không phải bạn bè, không cùng đơn vị, không cùng nhiệm vụ, thậm chí chưa biết tên nhau. Ngoài mô tả một cuộc vượt càn kịch tính, khốc liệt, phim còn đan xen những khoảnh khắc rung động của tình yêu giữa Vinh và Thu Hà.

 

Sinh mệnh là phim của Hãng phim truyện I, đạo diễn Đào Duy Phúc, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn. Đây là bộ phim về chiến tranh, về những tháng năm chiến đấu khốc liệt trên cánh rừng Trường Sơn của những người lính trẻ. Phim xoay quanh ba nhân vật chính là Nga, Linh và Ðán. Linh “gấu” (do Võ Thành Tâm đóng), một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, cưới vợ được một ngày thì lên đường nhập ngũ với vai trò là lính vận tải. Đạo diễn Đào Duy Phúc thổ lộ: “Tác phẩm này như một lời tri ân của thế hệ đạo diễn trẻ chúng tôi với các bậc cha anh đã chiến đấu và hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc”.

 

Trong khi đó, Đường về quê mẹ là phim của đạo diễn Bùi Đình Hạt. Phim là câu chuyện giản dị và cảm động về những chiến sĩ công binh Núi, Dư và Ly trong sứ mệnh làm trận địa giả, mục đích thu hút máy bay địch để đồng đội bí mật mở đường phục vụ chiến dịch giải phóng Làng Vân. Đường về quê mẹ đã đoạt giải nhất tại Liên hoan phim quốc tế Tiệp Khắc 1972; giải nhất tại Liên hoan phim quốc tế Ấn Độ 1973; giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II. Còn phim Đường thư do Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện, từng đoạt giải ba cuộc thi kịch bản phim truyện năm 2001 do Cục Điện ảnh tổ chức. “Đường thư là một câu chuyện giản dị: Hai người lính mang thư và một bức công lệnh tối mật tới cao điểm. Đó là khởi đầu cho những cuộc chạm trán nảy lửa giữa họ với một nhóm biệt kích trong những cánh rừng già nhiệt đới”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ.

 

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

 

Nguyễn Thanh Huy, một khán giả trẻ ở TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Tuần phim cách mạng do Trung tâm VH-ĐA tỉnh tổ chức thật ý nghĩa. Xem những bộ phim trong tuần phim này em hiểu thêm về tinh thần, ý chí kiên cường đấu tranh vì Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng. Em không khỏi xúc động và biết ơn lớp lớp cha anh đi trước đã hy sinh tuổi trẻ, tính mạng cho các con cháu sau này có một cuộc sống tốt đẹp nhất. Để xứng đáng với những hy sinh của các chiến sĩ, em tự hứa sẽ cố gắng học tập để sau này cống hiến cho đất nước, làm cho Tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn”.

 

Theo ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh, các phim Đường xuyên rừng, Sinh mệnh, Đường về quê mẹ, Đường thư đã giúp khán giả có được cái nhìn bao quát, sinh động về những chiến công hiển hách, sự hy sinh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và những giá trị thiêng liêng đã được lịch sử xác lập... Không chỉ dừng lại việc phản ánh hiện thực một cách đơn thuần mà những bộ phim này còn giúp người xem có được nhận thức rộng và sâu về sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hơn hết, các bộ phim đã truyền tải một cách hiệu quả, sáng rõ thông điệp về vai trò sức mạnh của dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam và dân tộc ta đến những mốc son chói lọi.

 

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiền, dòng phim lịch sử, đặc biệt là phim về đề tài chiến tranh khá kén đối tượng khán giả, chủ yếu là thu hút những người ở độ tuổi trung niên và người cao tuổi. Còn đa số giới trẻ hiện nay đều thích các phim tình cảm, phim hành động, ít mặn mà với dòng phim lịch sử này. “Chúng tôi mong muốn tuần phim sẽ đưa đến khán giả, nhất là thế hệ trẻ những bộ phim cách mạng hay của Việt Nam, góp phần truyền đạt, giúp khán giả hiểu được từng khúc ngoặt lịch sử; vai trò của sức mạnh toàn dân tộc. Từ đó khơi dậy niềm tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...”, ông Lê Trung Hiền nói.

 

Chúng tôi mong muốn tuần phim sẽ đưa đến khán giả, nhất là thế hệ trẻ những bộ phim cách mạng hay của Việt Nam, góp phần truyền đạt, giúp khán giả hiểu được từng khúc ngoặt lịch sử; vai trò của sức mạnh toàn dân tộc.

 

Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp