Tin tức Tuy Hòa - Báo Phú Yên Online

https://www.tintuctuyhoa.com


WHO: Việc từ bỏ nỗ lực kiểm soát COVID-19 là rất nguy hiểm

Trong tuyên bố ngày 26/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc từ bỏ những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là điều nguy hiểm, đồng thời hối thúc các nước không từ bỏ những nỗ lực này.
WHO: Việc từ bỏ nỗ lực kiểm soát COVID-19 là rất nguy hiểm

Trong tuyên bố ngày 26/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc từ bỏ những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là điều nguy hiểm, đồng thời hối thúc các nước không từ bỏ những nỗ lực này.

 

Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Tedros thừa nhận sau nhiều tháng ứng phó với dịch COVID-19, hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,1 triệu người, công tác phòng chống dịch bệnh đã bước vào giai đoạn mệt mỏi, nhưng ông hối thúc các nước không được từ bỏ nỗ lực này. Theo ông, lãnh đạo các nước cần có hành động nhanh chóng để tiêu diệt virus cũng như ổn định cuộc sống và kế sinh nhai của người dân.

 

Người đứng đầu WHO đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadow trả lời hãng tin CNN cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện chú trọng công tác giảm nhẹ dịch bệnh, thay vì tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Ông Meadow cho biết Mỹ sẽ không kiểm soát dịch bệnh mà tập trung vào nỗ lực có vắcxin, liệu pháp điều trị và các biện pháp giảm nhẹ khác.

 

Ông Tedros bày tỏ sự nhất trí với quan điểm của Mỹ chú trọng công tác giảm nhẹ dịch bệnh, song nhấn mạnh việc giảm nhẹ và kiểm soát dịch bệnh không mâu thuẫn và có thể được thực hiện cùng lúc. Ông kêu gọi trách nhiệm từ mỗi cá nhân để giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

 

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan khẩn cấp của WHO, Micheal Ryan đánh giá châu Âu đang là tâm dịch COVID-19 khi số ca nhập viện điều trị tăng nhanh và đang dần khiến các trung tấm y tế và chăm sóc sức khỏe quá tải.

 

Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại châu Âu chiếm 46% số ca bệnh và gần 1/3 số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều nước tại châu lục này đã ban bố lệnh giới nghiêm và quy định một loạt biện pháp hạn chế mới để ứng phó với tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi hiện nay.

 

Theo dự kiến, Bộ trưởng y tế của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến ngày 30/10 để thảo luận về vai trò của khối trong việc củng cố WHO. Hội nghị trực tuyến sẽ diễn ra trước kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng y tế thế giới dự kiến diễn ra từ ngày 9-14/11.

 

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, theo trang thống kê Worldometers, tính đến ngày 27/10, toàn thế giới đã ghi nhận 43.769.605 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.164.228 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 31.162.087 người.

 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 231.037 trường hợp tử vong trong tổng số 8.961.851 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 119.535 ca tử vong trên 7.945.888 ca bệnh, Brazil đứng thứ 3 với 157.451 ca tử vong trong số 5.411.550 bệnh nhân.

 

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh tại CH Czech đang xấu đi bất chấp các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt được đưa ra. Chính phủ Czech đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, có hiệu lực từ ngày 28/10 tới.

 

Chính phủ Czech sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường vào 27/10 để yêu cầu Hạ viện phê chuẩn việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến tháng 12/2020. Đến nay, Czech ghi nhận tổng cộng 268.370 ca mắc, trong đó 2.365 ca tử vong.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống sự lây lan của COVID-19 sau khi số ca nhiễm gia tăng ở nước này trong thời gian gần đây, trong đó siết chặt quy định về các cuộc tụ tập riêng tư.

 

Chính phủ Na Uy cũng cho biết họ sẽ chấm dứt những ngoại lệ đối với các quy định cách ly dành cho người lao động nước ngoài tới làm việc tại nước này. Theo Thủ tướng Solberg, từ ngày 31/10 tới, tất cả người lao động nước ngoài tới Na Uy đều phải cách ly trong 10 ngày. Đến nay, Na Uy ghi nhận tổng cộng 18.342 ca mắc COVID-19, trong đó có 279 trường hợp tử vong.

 

Tại Bỉ, dù rất muốn trẻ em không bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch COVID-19, song các trường học ở nước này buộc phải kéo dài thời gian nghỉ lễ và thực hiện dạy học từ xa đối với các cấp trung học, trước sự bùng phát mạnh của COVID-19 dẫn đến nguy cơ quá tải tại các bệnh viện.

 

Nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm của COVID-19, các bậc học cấp 2 và cấp 3 tại vùng nói tiếng Pháp buộc phải thực hiện dậy học từ xa giống như bậc đại học, cho dù trước đó Chính phủ Bỉ chủ trương tất cả trẻ em cần phải được tới trường.

 

Giới chức Bỉ hy vọng việc kéo dài thời gian nghỉ lễ thêm 3 ngày sẽ cho phép giảm được đà lây nhiễm COVID-19, bởi trước đó, nhiều lớp học đã buộc phải nghỉ học do các giáo viên bị nhiễm bệnh.

 

Ngày 26/10, Chính phủ Anh thông báo mở rộng phạm vi áp dụng các hạn chế phòng dịch COVID-19 ở vùng England, theo đó đưa tổng số người ở khu vực thuộc diện báo động cao nhất lên con số gần 8 triệu.

 

Theo Bộ Y tế Anh, kể từ ngày 27/10, TP Warrington ở khu vực phía tây bắc vùng England bị đưa vào diện cảnh báo cấp độ 3 - mức cao nhất trong thang cảnh báo của nước này. Nhà chức trách thành phố Nottingham và 3 thành phố lân cận ở miền Trung nước Anh cũng cho biết sẽ áp đặt mức độ hạn chế tương tự kể từ ngày 29/10.

 

Trong khi đó, tại Ý, số ca mắc COVID-19 cũng đang tăng mạnh, buộc Bộ Ngoại giao nước này phải khuyến cáo công dân không thực hiện các chuyến đi đến những nước châu Âu khác.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, thông báo ngày 26/10 của Bộ Ngoại giao Ý nêu rõ: “Xét tình hình dịch bệnh đang xấu đi ở châu Âu, Bộ Ngoại giao Ý khuyến cáo tất cả người dân tránh đi ra nước ngoài, trừ trường hợp vì những lý do thật cần thiết”. Bộ trên đồng thời cảnh báo nguy cơ người dân bị kẹt lại ở nước ngoài nếu các lệnh cấm đi lại được ban hành.

 

Tại Đức, chính quyền TP Nuremberg đã quyết định hủy phiên chợ Giáng sinh năm nay do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong tuyên bố cùng ngày 26/10, Thị trưởng Nuremberg - ông Marcus Koenig, cho biết lý do thành phố này không tổ chức phiên chợ Giáng sinh là để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ mắc COVID-19. Chợ Giáng sinh ở TP Nuremberg là một trong những hội chợ lớn và lâu đời nhất ở Đức, thường thu hút hơn 2 triệu khách thăm quan mỗi năm.

 

Trước đó, đại dịch COVID-19 cũng đã buộc nhiều thành phố ở Đức như Berlin, Duesseldorf và Cologne phải hủy bỏ các kế hoạch tổ chức chợ Giáng sinh, vốn là một nét văn hóa đặc trưng và là "thỏi nam châm" hút khách du lịch của nước này. Với hơn 2.500 chợ Giáng sinh, mỗi năm Đức thu hút khoảng 160 triệu du khách trong và ngoài nước, mang về doanh thu 3-5 tỉ euro (3,6-5,9 triệu USD).

 

Tại châu Á, sáng 27/10, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 16 ca mắc trong ngày 26/10, giảm so với con số 20 ca một ngày trước, và không có thêm ca tử vong nào. Đến nay, nước này công bố tổng cộng 85.826 ca mắc, trong đó có 4.634 ca tử vong.

 

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh thế giới vẫn có thể kiểm soát dịch COVID-19 ngay cả ở những nơi đang bùng phát dịch bệnh, đồng thời kêu gọi các nước không nên từ bỏ cuộc chiến chống đại dịch.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp