Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Libăng tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và chính trị

Thứ tư - 04/08/2021 00:07
Một năm sau vụ nổ kinh hoàng tại Cảng Beirut, Libăng tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế và chính trị, trong bối cảnh lạm phát ngày một leo thang, đồng nội tệ mất giá thảm hại
Libăng tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế và chính trị

Một năm sau vụ nổ kinh hoàng tại Cảng Beirut, Libăng tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế và chính trị, trong bối cảnh lạm phát ngày một leo thang, đồng nội tệ mất giá thảm hại và đất nước vẫn trong tình trạng chưa thành lập được chính phủ mới.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, một năm trước, vào ngày 4/8/2020, thủ đô Beirut của Libăng bất ngờ rung chuyển bởi hai vụ nổ kinh hoàng tại khu vực Cảng Beirut.

 

Vụ nổ kép đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Ít nhất 218 người đã thiệt mạng và hơn 7.500 người khác bị thương, trong khi hơn 300.000 người mất nhà cửa.

 

Vụ nổ khiến phần lớn thủ đô Beirut, được mệnh danh là “Paris của Trung Đông”, bị hủy hoại. Tổng thiệt hại về tài sản ước lên tới 15 tỉ USD.

 

Vụ nổ Cảng Beirut, một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất từng được ghi nhận, được cho là do 2.750 tấn amoni nitrat bị bỏ lại tại Cảng Beirut từ năm 2013 gây ra.

 

Một năm sau vụ nổ, tiến trình điều tra vẫn chưa có kết quả, trong khi không có quan chức cấp cao nào ở Libăng có trách nhiệm giải trình, khiến nhiều người dân Libăng tức giận.

 

Làn sóng biểu tình đòi công lý đã nổ ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước Libăng, khiến Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức vào ngày 10/8/2020.

 

Libăng hiện đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế-tài chính hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định của nước này.

 

Dự trữ ngoại hối, được sử dụng để tài trợ cho các chương trình trợ cấp hàng hóa cơ bản như nhiên liệu, thuốc men và lúa mỳ, đang cạn kiệt và tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong những tháng qua.

 

Ngân hàng Thế giới (WB) miêu tả đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

 

Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6/2021, WB đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tại Libăng là một trong 10 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.

 

Trước những khó khăn kinh tế hiện nay, tình trạng bế tắc chính trị dẫn tới việc chính phủ mới chưa được thành lập đang đe dọa các điều kiện kinh tế - xã hội vốn đã rất tồi tệ tại Libăng.

 

WB ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Libăng năm 2020 đã giảm 20,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% trong năm 2019.

 

Trên thực tế, GDP của Libăng đã giảm mạnh từ gần 55 tỉ USD năm 2018 xuống còn 33 tỉ USD năm 2020. Lạm phát luôn ở mức trung bình 84,3% trong năm 2020, do giá các mặt hàng liên tục leo thang. Do khủng hoảng tài chính, GDP thực của Libăng được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm 2021. Nền kinh tế Libăng nếu tính theo đồng USD có thể chỉ còn 15 tỉ USD trong năm 2021.

 

Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp đã ở mức 40% và một nửa dân số hiện sống dưới mức nghèo khổ.

 

Theo đánh giá của giới phân tích, Libăng hiện rất cần một gói cứu trợ quốc tế rộng lớn, song để nhận được gói giải cứu tài chính, Beirut cần phải có các cải cách kinh tế sâu rộng và giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng.

Một hội nghị quốc tế dự kiến được tổ chức trong tuần này để huy động khoản viện trợ 357 triệu USD nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của người dân Libăng.

 

Hội nghị sẽ được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đồng chủ trì vào ngày 4/8.

 

Theo ước tính của Liên hợp quốc, Libăng hiện cần khoản viện trợ lên tới 357 triệu USD để giải quyết các vấn đề cấp bạch liên quan đến an ninh lương thực, giáo dục, y tế và cung cấp nước sạch.

 

Thủ tướng mới được chỉ định của Libăng Najib Mikati mới đây cho biết danh sách nội các của ông sẽ chưa thể được công bố vào dịp kỷ niệm một năm xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở Cảng Beirut.

 

Ông Mikati - người từng hai lần làm thủ tướng trong quá khứ và là người giàu nhất Libăng - bày tỏ hy vọng sớm đạt được một thỏa thuận về việc thành lập chính phủ mới.

 

Tuy nhiên, giới truyền thông cho hay các đảng chính trị ở Libăng vẫn đang tranh cãi về các vị trí trong nội các, động thái vốn đã ngăn cản việc thành lập một chính phủ mới trong năm qua.

 

Tổng thống Libăng Michel Aoun ngày 3/8 cho biết ông đang nỗ lực hết sức để loại bỏ bất kỳ trở ngại nào đối với việc thành lập chính phủ. Nhà lãnh đạo Libăng nói thêm ông ủng hộ một cuộc điều tra minh bạch về vụ nổ tại Cảng Beirut.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp