Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, thế giới đã có gần 54 triệu ca nhiễm

Thứ bảy - 14/11/2020 01:19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 14/11, toàn thế giới có 53.729.335 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.308.563 ca tử vong.
Dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, thế giới đã có gần 54 triệu ca nhiễm

* WHO nhấn mạnh mọi quốc gia trên thế giới cần được hưởng lợi ích từ vắcxin

 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 14/11, toàn thế giới có 53.729.335 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.308.563 ca tử vong.

 

Hiện vẫn còn hơn 14,9 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực chiếm 1% (hơn 109.000 ca). Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã lên tới 11.061.491 ca, trong đó có 249.973 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ đã có thêm 180.955 ca nhiễm mới và 1.393 ca tử vong.

 

Bất chấp tình hình dịch bệnh lây lan một cách đáng sợ, Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực trấn an người dân khi ông bày tỏ hy vọng sẽ có một loại vắcxin ngừa COVID-19 cho toàn dân sớm nhất vào tháng 4 tới.

 

Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng sau gần 1 tuần khi truyền thông công bố kết quả dự đoán ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng bày tỏ hy vọng sẽ cấp phép “rất sớm” việc sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin ngừa COVID-19 của công ty Pzifer. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ không đóng cửa trở lại nền kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Báo Washington Post ngày 13/11 cho biết hơn 130 nhân viên mật vụ Mỹ đang bị cách ly bởi những nguyên nhân liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Theo nguồn tin này, các nhân viên mật vụ bị cách ly đều đã lây nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc với những người đã xét nghiệm dương tính với chủng virus mới này.

 

Đến nay, ngày càng có nhiều quan ngại về khả năng các nhân viên mật vụ bảo vệ Tổng thống Trump có thể mắc COVID-19, trong bối cảnh số ca lây nhiễm tại Nhà Trắng đang tăng lên.

 

Trong một tuyên bố, cơ quan mật vụ Mỹ cho biết cơ quan này "thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch tranh cử Tổng thống đồng thời hoàn thành trách nhiệm bảo vệ theo luật định." Cơ quan này khẳng định họ "đã duy trì các biện pháp bao gồm xét nghiệm, truy vết tiếp xúc với những người đã được xác nhận và nghi bị phơi nhiễm, cũng như nhanh chóng cách ly các nhân viên xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19.

 

Cũng theo cơ quan mật vụ Mỹ, chương trình này đảm bảo rằng mọi biện pháp phòng được thực hiện để "giữ an toàn và khỏe mạnh cho những người được bảo vệ, những nhân viên mật vụ, gia đình của họ cũng như công chúng”.

 

Đứng sau Mỹ về tổng số ca nhiễm vẫn là Ấn Độ. Với việc có thêm 45.343 ca nhiễm mới trong một ngày qua, tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới  8.773.243 ca, trong đó có 129.225 ca không qua khỏi (tăng 539 ca trong 24 giờ qua).

 

Brazil và Pháp đứng vị trí thứ 3 và thứ 4 trong danh sách các ổ dịch lớn nhất của thế giới với lần lượt 5.819.496 và 1.922.504 ca nhiễm. Cho đến thời điểm này, Brazil đã có 164.946 ca tử vong (đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong), trong khi Pháp cũng đã có 43.892 trường hợp tử vong do dịch COVID-19.

 

Tại Nga, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko cho biết tình hình đại dịch COVID-19 ở nước này vẫn rất căng thẳng. Hiện 75% bệnh nhân nhiễm virus chủng mới phải điều trị ngoại trú, 25% nhập viện và điều trị trong bệnh viện.

 

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn”. Theo ông Murasko, trung bình có từ 18-19% giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 còn trống. Tuy nhiên ở hơn 30 chủ thể, 90% số giường bệnh chuyên biệt này đã lấp đầy.

 

Bộ trưởng Y tế  Nga cho biết tình trạng quá tải đang diễn ra tại khu vực Siberi và một số vùng ở Viễn Đông. Ông Murashko yêu cầu ngành dược cần theo dõi và đặt mua thuốc COVID-19 kịp thời. Ông nói: “Các dược trình viên cần phải tuân thủ, đặt mua thuốc kịp thời và các nhà sản xuất phải theo dõi và bắt kịp nhu cầu”. Bộ trưởng nói rõ rằng một số loại thuốc điều trị virus corona đã được đưa vào danh sách thuốc quan trọng và nhà nước đảm bảo giảm giá chúng 4 lần. Hiện Nhà nước Nga đã cấp kinh phí cho điều trị ngoại trú.

 

Tính đến ngày 13/11, Liên bang Nga đã ghi nhận tổng cộng 1.880.551 người mắc COVID-19 tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát 32.443 bệnh nhân đã tử vong, 1.406 903 bệnh nhân hồi phục.

 

Cũng trong ngày 13/11, Hà Lan, cùng với Thụy Điển và Romania, đã kêu gọi tăng cường phối hợp và liên lạc giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian khủng hoảng. Việc hối thúc diễn ra trong bối cảnh EU đã phải vật lộn để đối phó với các giai đoạn của đại dịch COVID-19.

 

Động thái này diễn ra sau khi đợt bùng phát đầu tiên của COVID-19 gây ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên về vật tư y tế thiết yếu và lệnh cấm xuất khẩu thuốc, khiến xuất hiện phê phán về sự thiếu đoàn kết nội khối trong khủng hoảng.

 

Các quốc gia này đề nghị tăng cường cơ chế một cách dài hơi hơn, cũng như thiết lập chương trình nghị sự và tập trung vào dài hạn, đồng thời rút ra các bài học từ cuộc khủng hoảng hiện tại, để duy trì các tính năng thành công của cơ chế ứng phó khủng hoảng chính trị tổng hợp (IPCR) hiện nay, một công cụ để điều phối phản ứng chính trị đối với các khủng hoảng, bao gồm cả hành động khủng bố.

 

Hà Lan, Thụy Điển và Romania đã đề xuất thảo luận và phát triển khái niệm về một Cơ chế hội đồng, một cấu trúc cấp cao để hướng dẫn chiến lược và bầu ra một vị trí chủ tịch, cùng với một mạng lưới truyền thông về khủng hoảng có thể đánh giá sâu rộng về tác động của dịch COVID-19 để cung cấp cơ sở dữ liệu phát triển hơn nữa việc quản lý khủng hoảng của EU.

 

Ngày 13/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận mua 4 triệu liều vắcxin tiềm năng ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer. Phát biểu họp báo, Thủ tướng Netanyahu cho biết, nếu vắcxin của Pfizer được cấp phép tại Israel và Mỹ, nước này sẽ tiến hành tiêm lô vắcxin đầu tiên cho người dân trong tháng 1/2021.

 

Vắcxin COVID-19 của Pfizer phối hợp với BioNTech (Đức) phát triển sử dụng công nghệ dựa trên mRNA, một loại vật chất di truyền chưa từng được sử dụng để sản xuất vắcxin. Đây cũng là 1 trong 9 vắcxin tiềm năng đã bước vào các thử nghiệm trên người giai đoạn cuối, với hàng nghìn người tham gia.

 

Các kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vắcxin này có hiệu quả phòng ngừa các triệu chứng của COVID-19 lên tới 90% và không gây ra tác dụng phụ. Các quốc gia phát triển trên thế giới đang gấp rút đặt mua hàng chục triệu liều vắcxin này.

 

Tính đến nay, Israel ghi nhận hơn 320.000 ca mắc COVID-19 trong tổng số 9 triệu dân, trong đó 2.707 người đã không qua khỏi.

 

Cùng ngày, cơ quan quản lý dược phẩm Swissmedic của Thụy Sĩ cho biết nước này đang bắt đầu tiến trình rà soát sớm đối với loại vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Moderna để có thể nhanh chóng cấp phép lưu hành. Swissmedic cũng đang trong tiến trình đánh giá tương tự đối với các loại vắcxin COVID-19 tiềm năng của các hãng dược phẩm khác như AstraZeneca, Pfizer và BioNTech.

 

Liên quan đến dịch bệnh COVID-19, tại Hongkong (Trung Quốc), do dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh tại hơn 200 trường học ở Đặc khu hành chính Hongkong, chính quyền thành phố đã công bố quyết định cho học sinh tại các trường mẫu giáo và trung tâm giữ trẻ nghỉ học trong 2 tuần từ ngày 14-27/11, không loại trừ sau đó sẽ tiếp tục kéo dài nếu tình hình dịch bệnh không có chiều hướng giảm.

 

Tính từ ngày 31/10-13/11, Hongkong ghi nhận tổng cộng 2.281 người bị mắc COVID-19, tăng gấp 20 lần so với cùng khoảng thời gian này năm ngoái.

 

Giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hongkong, ông Hoàng Gia Khánh cho biết mấy ngày gần đây các ca nhiễm viêm đường hô hấp cấp bùng phát ở các trường mẫu giáo, chủ yếu là Enterovirus và Rhinovirus.

 

Theo ông Hoàng Gia Khánh, các cơ quan y tế không tìm thấy virus cúm mùa, nhưng mọi người vẫn nên đi tiêm phòng cúm mùa do mùa cúm ở Hongkong đang đến gần. Đồng thời, ông nhận định mặc dù ý thức phòng dịch của người dân đã tăng lên song dịch bệnh vẫn bùng phát, vì vậy người dân cần phải tăng cường bảo vệ sức khỏe, tiêm phòng đầy đủ, tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.

 

Ngày 13/11, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định hiện nước này chưa cần phải ban bố một lệnh tình trạng khẩn cấp dù số ca mắc bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại.

 

Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Nhật Bản cho biết đã tham vấn các chuyên gia trước khi đưa ra thông báo trên. Cũng theo ông Suga, hiện chính phủ chưa có kế hoạch rút ngắn chương trình "Go To Travel" để thúc đẩy du lịch nội địa.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Suga cũng cho biết đã nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng dịch bệnh tại Nhật Bản đang gia tăng cấp độ, đặc biệt tại các khu vực xung quanh Tokyo, tỉnh Osaka và tỉnh Aichi cũng như Hokkaido.

 

Nhà lãnh đạo Nhật bản kêu gọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản nhằm hạn chế nguy cơ lây lan mạnh trên diện rộng. Thời gian gần đây, số ca mắc mới tại Nhật Bản liên tục ghi nhận những mức cao mới.

 

Ngày 13/11, số ca mắc mới là 1.685 ca, tiếp tục là một mức cao mới sau khi vừa lên mức kỷ lục 1.660 ca chỉ một ngày trước đó. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận 371 ca mắc mới trong ngày này, giảm nhẹ so với một ngày trước đó nhưng các khu vực khác tiếp tục ghi nhận những mức cao mới. Hiện Nhật Bản xác nhận tổng cộng 116.200 ca bệnh, trong đó có gần 2.000 ca tử vong.

 

Giới chức y tế Costa Rica cho biết nước này đã ký hợp đồng với hãng dược AstraZeneca để mua 1 triệu liều vắcxin ngừa bệnh COVID-19 do hãng này phối hợp với Đại học Oxford, Anh, bào chế và sản xuất.

 

Thứ trưởng Y tế Costa Rica Pedro Gonzalez cho hay số lượng vắcxin này sẽ cho phép cung cấp hai liều cho nửa triệu người dân nước Trung Mỹ trong quý 1/2021. Bộ Y tế Costa Rica dự kiến sẽ tiêm chủng ngừa COVID-19 cho hơn 3 triệu người dân trong năm 2021, chiếm gần 60% dân số nước này. Tới nay Costa Rica đã ghi nhận 121.000 ca dương tính với COVID-19, trong đó số ca tử vong chiếm 1.527 người, theo báo cáo chính thức.

 

Ngày 13/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi những bước tiến nhanh chóng trong công tác nghiên cứu và điều chế vắcxin phòng dịch viê COVID-19, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi quốc gia phải được hưởng lợi ích từ vắcxin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

 

Phát biểu bế mạc cuộc họp thường niên của WHO tại Geneva, ông Ghebreyesus đã bày tỏ lạc quan trước thông tin vắcxin phòng COVID-19 được hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90%, đồng thời nhấn mạnh "vắcxin sẽ là công cụ then chốt để kiểm soát đại dịch".

 

Ông nêu rõ: "Chưa bao giờ trong lịch sử, việc nghiên cứu vắcxin lại đạt tiến triển nhanh như thế. Chúng ta phải áp dụng tinh thần khẩn trương và đổi mới tương tự để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ thành tựu khoa học này".

 

Cũng trong phát biểu của mình, ông Ghebreyesus nhận định đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng "một hệ thống được thống nhất toàn cầu" để chia sẻ những tác nhân gây bệnh và mẫu bệnh phẩm nhằm phục vụ cho công tác phát triển nhanh chóng vắcxin ngừa COVID-19, các phương pháp chẩn đoán và điều trị.

 

Ông nhấn mạnh hệ thống này không thể chờ đợi các thỏa thuận song phương vốn có thể mất nhiều năm đàm phán. WHO đang đề xuất một cách tiếp cận mới, bao gồm xây dựng một kho lưu trữ dữ liệu được WHO đặt tại một cơ sở an toàn ở Thụy Sĩ; một thỏa thuận về việc chia sẻ và đóng góp các tài liệu vào kho lưu trữ này trên tinh thần tự nguyện; WHO có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao và sử dụng các tài liệu này, đi kèm với đó là một danh sách các tiêu chí mà WHO sẽ dựa vào đó để phân phối những tài liệu trên. Người đứng đầu WHO cũng gửi lời cảm ơn Thái Lan và Ý đã đề nghị cung cấp tài liệu và đi tiên phong trong cách tiếp cận mới này, cũng như việc Thụy Sĩ đã cung cấp một phòng thí nghiệm. 

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp