Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Thứ bảy - 17/10/2020 08:07
Chính phủ vừa chấp thuận cho phép xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Chính phủ vừa chấp thuận cho phép xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với trung tá Phạm Thị Mộng Tuyết, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) xung quanh vấn đề này. Trung tá Mộng Tuyết cho biết:

 

- Việc ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là yêu cầu cấp thiết, thể hiện quan điểm, chủ trương và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã mang lại nhiều kết quả cho sự phát triển giao thông vận tải và bảo đảm TTATGT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn thực hiện luật cũng như yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, bộc lộ những bất cập, hạn chế.

 

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: TTATGT đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực. Song song với đó, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của nhiều người còn rất kém; vi phạm TTATGT, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp.

 

Xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng chuyên sâu hóa để bảo đảm sự phân công rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật...

 

Trung tá Phạm Thị Mộng Tuyết

* Vậy Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có điểm gì mới, thưa trung tá?

 

- Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ…; sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ 2008 cho chính xác và phù hợp với thực tiễn hơn. Dự thảo luật quy định cụ thể về nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ, phân công trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền.

 

Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ cũng quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự, như: điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…

 

* Hiện nay có nhiều lực lượng cùng ra đường thực hiện tuần tra, xử lý vi phạm dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ với lực lượng CSGT. Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định vấn đề này như thế nào?

 

- Theo dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, CSGT là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ, vi phạm pháp luật khác của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật. Đồng thời dự thảo luật cũng giao Bộ trưởng Công an quy định huy động các lực lượng cảnh sát khác, công an xã tham gia phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết.

 

* Việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng của lực lượng thực thi pháp luật được thể hiện như thế nào trong luật này, thưa trung tá?

 

- Theo dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, các chính sách của luật có liên quan đến giải quyết công việc giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân như đăng ký, cấp biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý vi phạm đều thể hiện tính công khai, minh bạch. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong quản lý, giải quyết, xử lý các nội dung công việc nhằm mục đích nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của một số cán bộ thực thi pháp luật. Đồng thời, nhân dân có quyền giám sát theo quy định của pháp luật đối với lực lượng thực thi công vụ.

 

* Xin cảm ơn trung tá!

 

NHƯ THANH (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp