Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Du lịch chuyển biến mạnh mẽ, khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Thứ bảy - 10/10/2020 20:02
Tháng 4/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 05-CTr/TU (CHTĐ 05), về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Du lịch chuyển biến mạnh mẽ, khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Tháng 4/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 05-CTr/TU (CHTĐ 05), về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đối với ngành Du lịch, đây là một bước ngoặt quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Phú Yên về những kết quả đạt được. Ông Phạm Văn Bảy cho biết:

 

Thực hiện CTHĐ của Tỉnh ủy và Kế hoạch phát triển du lịch của UBND tỉnh, thời gian qua, ngành Du lịch Phú Yên đã có sự chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất, khẳng định là vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, CTHĐ, kế hoạch của tỉnh về phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

- Sau khi Tỉnh ủy ban hành CTHĐ 05, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 119/KH-UBND (8/2016) cụ thể hóa mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp mà CHTĐ đã đề ra. Các ngành, các địa phương đã xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch gắn với nhiệm vụ chính trị. Sở VH-TT-DL là cơ quan tham mưu UBND tỉnh, thường trực Ban chỉ đạo Phát triển du lịch của tỉnh xem đây là kim chỉ nam hành động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ hướng tới các mục tiêu đề ra.

 

* Thưa ông, những kết quả nổi bật nào đạt được sau khi triển khai thực hiện CTHĐ 05 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 119 của UBND tỉnh?

 

- CTHĐ 05 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 119 UBND tỉnh đã bao quát toàn bộ giải pháp, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển của ngành Du lịch. Sau khi triển khai thực hiện đồng bộ, ngành Du lịch tỉnh đã có được những kết quả nổi bật, có sự chuyển biến mạnh mẽ, khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

 

Trong đó có thể nhấn mạnh 3 nhóm kết quả quan trọng, đó là: Tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển du lịch; nâng cao vai trò của ngành Du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hai là, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển du lịch đã được chú trọng; đặc biệt là đường giao thông, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ du lịch được nâng lên rõ rệt; hình thành một số khu du lịch cao cấp, khu du lịch biển… tạo bước đột phá trong phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển ở Phú Yên; nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được tôn tạo và khai thác hiệu quả. Ba là, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường, đóng góp quan trọng vào việc thu hút, tăng trưởng khách du lịch; bước đầu xây dựng thương hiệu du lịch: “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” và định hướng đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng.

 

* Đối với các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra, kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?

 

- Về mặt này, có những chỉ tiêu đạt vượt, nhưng cũng có những chỉ tiêu chưa đạt, do những tác động bởi nguyên nhân khách quan không thể lường trước, như đại dịch COVID-19.

 

Chỉ tiêu khách du lịch đến Phú Yên, tăng bình quân hàng năm trên 14%; năm 2019 đạt 1,85 triệu lượt khách, trong đó có trên 45.000 khách quốc tế; doanh thu đạt trên 2.200 tỉ đồng. Riêng năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách ước đạt 1,2 triệu lượt (không đạt chỉ tiêu đề ra). Kéo theo đó, chỉ tiêu về doanh thu du lịch cũng giảm, toàn giai đoạn 2016-2020, doanh thu du lịch ước khoảng 7.980 tỉ đồng, đạt 90,8% so với chỉ tiêu CTHĐ 05, riêng năm 2020, doanh thu hoạt động du lịch khoảng 800 tỉ đồng, chỉ đạt 25,8%.

 

Về cơ sở lưu trú du lịch, đến nay, toàn tỉnh có 370 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, đạt 148% chỉ tiêu CTHĐ 05 (tăng 235 cơ sở so với năm 2016), trong đó có ba khách sạn 5 sao, hai khách sạn 4 sao, ba khách sạn 3 sao; tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 6.000, trong đó khoảng 900 buồng khách sạn 3-5 sao. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch ước 6.300 người, đạt 78,7% chỉ tiêu CTHĐ 05.

 

Ông Phạm Văn Bảy

* Công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư là những nhiệm vụ đồng thời là giải pháp đột phá. Vậy kết quả nổi bật trong lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?

 

- Đây là những giải pháp mang tính đột phá. Công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Đã tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài; lập đồ án quy hoạch vùng ven biển tỉnh Phú Yên; điều chỉnh quy hoạch phân khu dọc hai bên đường Độc Lập, Lê Duẩn; quy hoạch chung xây dựng đô thị Ô Loan (Tuy An), Công viên Hồ Sơn, dự án dọc đường Bạch Đằng giai đoạn 2, quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa, đề án xây dựng tập trung các trụ sở cơ quan hành chính của tỉnh (TP Tuy Hòa)…

 

Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch như: đưa vào sử dụng dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, Hầm đường bộ Đèo Cù Mông, xây dựng mới cầu Đà Rằng và cầu Sông Chùa; các tuyến đường giao thông nội tỉnh; nâng cấp cải tạo Ga đường sắt Tuy Hòa, tăng thêm lượng vé, kéo dài thời gian dừng tàu. Cảng Hàng không Tuy Hòa được đầu tư nâng cấp, đảm bảo điều kiện tiếp nhận các chuyến bay quốc tế.

 

Từ năm 2016 đến nay, ngành Du lịch đã thu hút nhiều dự án đầu tư. Có hơn 200 cơ sở lưu trú xây dựng mới đi vào hoạt động, nhiều nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới khang trang tại các địa phương. Có 221 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có 26 dự án thuộc lĩnh vực du lịch quy mô lớn đang triển khai đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động toàn bộ và hoạt động một phần, như: Rosa Alba Resort, Stelia Beach Resort, Khu du lịch sinh thái Sao Việt - Sao Mai, Quê tôi Village, Trung tâm Hội nghị Pytopia, Seaside Resort…; một số dự án ven biển đang được giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ đầu tư, như: Khu nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà, Bãi Xép, Hòn Ngọc Bãi Tràm (giai đoạn 2), Vịnh Hòa Emerald Bay Resort. Nhiều dự án trung tâm thương mại kết hợp du lịch đang triển khai như: Apec Mandala Wyndham Phú Yên, The Light Phú Yên…

 

* Đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành sản phẩm mang tính đặc trưng là một trong những điểm chưa mạnh của Phú Yên. Điều này đã được khắc phục, thay đổi thế nào trong thời gian qua?

 

- Nhiều giải pháp cho vấn đề này đã được thực hiện như đầu tư phát huy giá trị các di sản văn hóa, loại hình nghệ thuật độc đáo để phát triển du lịch, như: “Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm”, “Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên”, “Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên” (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), nghệ thuật Bài Chòi (Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại); đầu tư nâng cao chất lượng các lễ hội văn hóa truyền thống đặc trưng: Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn, lễ hội Vịnh Xuân Đài, đua thuyền đầm Ô Loan, sông nước Đà Nông, lễ hội đền Lương Văn Chánh, hội đua ngựa Gò Thì Thùng... Phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp gắn với du lịch; từng bước hình thành một số sản phẩm du lịch làng nghề, quà tặng lưu niệm, như: gốm, gỗ, ốc mỹ nghệ, vỏ gáo dừa, đá cảnh, hàng thủy hải sản, cà phê…

 

Khách du lịch đến tham quan danh thắng Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Điện hàng năm tăng hơn 25%. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Các địa phương trong tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch; thay đổi diện mạo nông thôn, hình thành các điểm, làng văn hóa du lịch.

 

Đầu tư hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch địa phương và kết nối hình thành các tuyến du lịch với địa phương khác. Hiện cả tỉnh đã công nhận 8 điểm du lịch địa phương và 3 tuyến du lịch. Sản phẩm du lịch phát triển đáng kể: du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, ẩm thực ngày càng phong phú; tại hai danh thắng Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh lượng khách tham quan tăng bình quân hàng năm trên 25%. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh lữ hành đã xây dựng các chương trình du lịch khá phong phú, những sản phẩm du lịch gắn với biển đảo; tổ chức các tour du lịch tham quan, khám phá các đảo ven bờ, ngắm san hô tại các đảo ven bờ, thưởng thức đặc sản biển, tham quan làng nghề… tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

TRẦN QUỚI

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp