Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Để khoa học - công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai - 05/07/2021 06:04
Gần đây, nhiều chính sách KH-CN được tỉnh cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND nhằm phát huy và nâng cao tiềm lực KH-CN
Để khoa học - công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Gần đây, nhiều chính sách KH-CN được tỉnh cụ thể hóa thành nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND nhằm phát huy và nâng cao tiềm lực KH-CN, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Báo Phú Yên đã trao đổi với ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN về những đóng góp của KH-CN vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và các giải pháp thúc đẩy hoạt động KH-CN trong thời gian tới.

 

* Xin ông cho biết vai trò của KH-CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua?

 

Ông Dương Bình Phú

- Thời gian qua, KH-CN thực sự đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung; góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của Phú Yên nói riêng.

 

Tiềm lực KH-CN của tỉnh được tăng cường; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội; thị trường KH-CN bước đầu hình thành; việc hợp tác với các tổ chức trong nước có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là chương trình hợp tác với Bộ KH-CN giúp hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu - ứng dụng, chuyển giao công nghệ…

 

Qua đó góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

 

Trong 5 năm (2016-2020), Sở KH-CN đã tham mưu thực hiện 105 nhiệm vụ KH-CN (17 cấp quốc gia, 63 cấp tỉnh, 25 cấp cơ sở) và đạt được một số kết quả nhất định như: nghiên cứu, triển khai ứng dụng và chuyển giao một số công nghệ tiên tiến; nghiên cứu ứng dụng và đa dạng hóa một số đối tượng nuôi trồng; thực hiện một số đề tài, dự án KH-CN…

 

Việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trên một số cây trồng, vật nuôi phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; hình thành một số nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh; tăng cường phát triển làng nghề ở nông thôn, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng có giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

* Thưa ông, những lĩnh vực KH-CN nào là thế mạnh và kết quả thực hiện như thế nào?

 

- Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Từ năm 2016-2020, thông qua thực hiện các đề tài, dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh, dự án cơ sở, nhiều mô hình đã được xây dựng thành công.

 

Sở KH-CN đã nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH-CN chọn tạo giống và lai tạo thành công nhiều giống cây nông nghiệp có ưu thế vượt trội. Ảnh: THÁI HÀ

 

Hoạt động KH-CN đã chọn tạo một số giống điển hình như: lai tạo thành công nhiều giống cây nông nghiệp có ưu thế vượt trội như giống lúa PY1, PY2, PY15; lúa lai F1 năng suất tăng bình quân 8 tạ/ha (từ 72 tấn/ha lên 80 tấn/ha); giống sắn KM419 có năng suất cao (tăng 14-17 tấn/ha), hàm lượng bột cao dần thay thế giống KM94 đã thoái hóa và nhiễm bệnh; giống bò lai hướng thịt góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ngành Chăn nuôi.

 

Ngoài ra, ngành KH-CN còn nghiên cứu tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới như mô hình nuôi tôm hùm có xử lý chất thải; nuôi tôm hùm trong bể trên bờ, nuôi tôm hùm lồng xa bờ theo công nghệ Na Uy; nuôi tôm thẻ theo công nghệ biofloc; nuôi cá chình trong lồng, nuôi hàu Thái Bình Dương theo hướng công nghiệp… có khả năng tạo đột phá phát triển ngành nuôi trồng tỉnh nhà.

 

Sở KH-CN cũng đã tham mưu xây dựng các mô hình nuôi trồng đối với một số sản phẩm mới, đối tượng mới cho người dân, doanh nghiệp, như: Phát triển giống sắn mới kháng bệnh khảm lá cho năng suất cao; mô hình nhân giống, sản xuất dược liệu sâm bố chính, cây sa nhân tím, cây ba kích theo GACP-WHO; áp dụng công nghệ sản xuất cây cao lương ngọt và các sản phẩm theo chuỗi giá trị; triển khai mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng, mô hình/quy trình nuôi tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm), cua lột, cá chình hoa theo hướng công nghệ cao… góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng có giá trị cao, mang lại lợi nhuận cho người dân.

 

Bên cạnh đó, xác định thúc đẩy doanh nghiệp với vai trò là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, Sở KH-CN đã tham mưu triển khai nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất phân bón NPK một hạt chất lượng cao bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao, công suất 60.000 tấn/năm tiên tiến; hỗ trợ thực hiện mô hình ương tôm giống thẻ chân trắng Green House cho Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc giúp mang lại hiệu quả kinh tế lớn…

 

* Để KH-CN thực sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới, Sở KH-CN có những kế hoạch, phương án gì, thưa ông?

 

- Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tồn tại trong thời gian qua, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần XVII, ngành KH-CN sẽ tiếp tục đổi mới về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho KH-CN. Trong đó, xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với tự do hóa thương mại, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ tiên tiến.

 

Bên cạnh đó, Sở KH-CN cũng sẽ tập trung cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào 6 chương trình trọng tâm. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của chương trình. Trong đó, tập trung hỗ trợ khai thác, phát triển, bảo hộ, xác lập quyền sở hữu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công bố hợp chuẩn, hợp quy.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Thời gian qua, KH-CN thực sự đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung; góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của Phú Yên nói riêng.

 

THÁI HÀ 

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp