Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Sông Cầu: Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chủ nhật - 05/07/2020 06:02
TX Sông Cầu là địa phương sở hữu nhiều tài nguyên (thiên nhiên và nhân văn) quý cho phát triển du lịch. Trong đó, vịnh Xuân Đài được ví như nàng tiên mơ màng đang chờ được đánh thức.
Sông Cầu: Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

TX Sông Cầu là địa phương sở hữu nhiều tài nguyên (thiên nhiên và nhân văn) quý cho phát triển du lịch. Trong đó, vịnh Xuân Đài được ví như nàng tiên mơ màng đang chờ được đánh thức. Do đó, kế hoạch và cũng là mục tiêu mà thị xã đặt ra trong 5 năm tới là “Đầu tư phát triển du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

 

Thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020, Thị ủy Sông Cầu đã ban hành chương trình hành động để triển khai nội dung trên gắn với thực tế địa phương. Qua 5 năm thực hiện, du lịch TX Sông Cầu đã đạt được những kết quả quan trọng, làm cơ sở để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong đó lấy vịnh Xuân Đài làm trung tâm phát triển, trở thành khu du lịch quốc gia đến năm 2030 và xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài.

 

Biến tiềm năng thành lợi thế

 

Sông Cầu có bờ biển dài trên 50km, với nhiều bãi tắm đẹp như: Vịnh Hòa, Từ Nham, Bình Sa, Bãi Nồm, Bãi Rạng, Bãi Bầu...; cùng nhiều đầm, vũng, gành, đảo và bán đảo xung quanh, có hệ sinh vật phong phú, nơi đây có đến 150 loài san hô tập trung khu vực Vịnh Hòa, Từ Nham, Cù Lao Mái Nhà…

 

Mục tiêu đến năm 2025, vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; đón khoảng 850.000 lượt khách; tổng thu nhập du lịch đạt trên 400 tỉ đồng; có khoảng 800 phòng lưu trú đạt chuẩn; tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp.

Sông Cầu cũng là nơi có thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý quy hoạch trở thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2030; Di tích lịch sử văn hóa Mộ và Đền thờ danh nhân Đào Trí; cùng nhiều di tích cấp tỉnh khác, trong đó nổi bật là di sản văn hóa phi vật thể lễ hội cúng lăng Ông và hò bả trạo, bài chòi. Đây là những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, bắt nguồn từ lao động sản xuất, diễn tả sinh hoạt hàng ngày của người dân, tất cả điều mang nét đặc trưng rất riêng của cư dân vùng biển. Bên cạnh đó, Sông Cầu còn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống như: làng nghề nước mắm Gành Đỏ, rượu Quán Đế, muối Tuyết Diêm, cá cơm Xuân Bình...

 

Ngoài những lợi thế trên, TX Sông Cầu là một đô thị trẻ, kết cấu hạ tầng đang trên đà phát triển, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh quan tâm. Hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư, nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống; hạ tầng giao thông được nâng cấp, dịch vụ vận tải phát triển mạnh mẽ; hạ tầng viễn thông và dịch vụ bưu chính phát triển, bước đầu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thúc đẩy mạnh sự giao thương với các địa phương khác, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

 

Năm 2019, Sông Cầu đón hơn 3.850 lượt khách quốc tế, 650.000 lượt khách nội địa, tăng 37% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch đạt 200 tỉ đồng. Địa phương cũng có trên 30 dự án du lịch đã và đang hoàn tất thủ tục, tiến hành đầu tư, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, là động lực đột phá xây dựng thương hiệu “Du lịch Sông Cầu”. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh trên các phương tiện... Đặc biệt, những năm gần đây, Sông Cầu đã đầu tư nâng tầm Lễ hội Sông nước Tam Giang trở thành Lễ hội Vịnh Xuân Đài, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, nhất là các đơn vị lữ hành tổ chức tour trải nghiệm Tết Việt.

 

Một góc vịnh Xuân Đài. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài

 

Để đưa ngành Du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu “Vịnh Xuân Đài - điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam”, và vịnh Xuân Đài trở thành khu du lịch quốc gia, nghỉ dưỡng biển, cần phải có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cùng những giải pháp đột phá.

 

Một là thực hiện tốt công tác quy hoạch. Tích cực triển khai quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch - dịch vụ ở một số địa phương, các điểm có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trên địa bàn; sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí… phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của thị xã và đồng bộ với quy hoạch khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài.

 

Hai là ưu tiên phát triển các lợi thế so sánh về du lịch như du lịch nghỉ dưỡng trên vịnh; tham quan, trải nghiệm gắn với các khu nuôi trồng thủy sản, ngắm cảnh hoàng hôn trên vịnh; du lịch thể thao, vui chơi giải trí như chèo thuyền kayak, motor nước, ca nô dù kéo, lướt ván kết hợp với các hoạt động tắm nắng, tập dưỡng sinh, dịch vụ massage; du lịch sinh thái lặn biển ngắm san hô, khám phá hệ sinh thái biển... và thưởng thức ẩm thực đặc sản “xứ Nẫu” như: cá ngừ đại dương, sò huyết, cua huỳnh đế, hàu, ốc nhảy, ghẹ đầm Cù Mông, tôm hùm, khô cá đét, mực, sứa, các loại nước mắm và bánh truyền thống…

 

Ba là hình thành các sản phẩm du lịch làng nghề theo mô hình du lịch cộng đồng, tham quan làng nghề truyền thống; hỗ trợ tổ chức thí điểm một số loại hình du lịch có thế mạnh của địa phương như: “Khám phá nét đẹp vịnh Xuân Đài và trải nghiệm một ngày làm ngư dân trên biển”; du lịch tâm linh, thăm viếng các cơ sở thờ tự, di tích, danh thắng… đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, cầu nguyện, tìm hiểu những thông tin về cội nguồn lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của du khách tại các khu di tích Mộ và Đền thờ Đào Trí, Hành cung Long Bình, hệ thống lăng Ông gắn với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như: Lễ hội cầu ngư, hò bả trạo, dân ca bài chòi, hò khoan, hát tuồng, hô bài chòi, biểu diễn nhạc cụ dân tộc…

 

Bốn là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III và thành phố tương lai với một Sông Cầu xanh - sạch - đẹp - quyến rũ. Từng bước hình thành đô thị Sông Cầu có đặc thù riêng, vì vậy không nhất thiết phải xây nhiều nhà cao tầng ở khu vực ven bờ kè sông Tam Giang, Thị Thạc, đầm Cù Mông và các khu vực gần biển. Khuyến khích người dân phát triển “vườn trong nhà, nhà trong vườn”, hướng đến xây dựng thành phố Sông Cầu có môi trường thân thiện; xã hội hài hòa; văn hóa phong phú; nhân dân hạnh phúc để thu hút đầu tư và du khách.

 

Năm là phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc gia, đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, có chiều sâu và tầm cao với thương hiệu “Vịnh Xuân Đài - điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam”.

 

Sáu là nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch thương mại, đầu tư cho các sản phẩm đặc thù của địa phương đối với thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm văn hóa để quảng bá du lịch như: Dư địa chí Sông Cầu, sách ảnh “Sông Cầu xưa và nay” các tập gấp, bản đồ du lịch, đĩa CD, thông tin trên website…

 

MAI THANH HỒNG

Trưởng Phòng VH-TT TX Sông Cầu

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp