Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Những cô gái mở đường Trường Sơn năm xưa

Thứ sáu - 12/03/2021 08:44
Mới 17, 18 tuổi, những cô gái nhỏ nhắn chưa một lần rời xa lũy tre làng đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong (TNXP) đi phá núi, mở đường thông tuyến phục vụ những đoàn xe chở hàng chi viện chiến trường miền Nam
Những cô gái mở đường Trường Sơn năm xưa

Mới 17, 18 tuổi, những cô gái nhỏ nhắn chưa một lần rời xa lũy tre làng đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong (TNXP) đi phá núi, mở đường thông tuyến phục vụ những đoàn xe chở hàng chi viện chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

 

Nay đã ở tuổi 70, người có cuộc sống đầm ấm bên con cháu, người vẫn còn đi làm thuê để mưu sinh, nhưng dù ở hoàn cảnh nào thì trong họ vẫn tự hào vì mình là cựu TNXP.

 

Những năm tháng hào hùng

 

Theo giới thiệu của Ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh, chúng tôi tìm gặp các cựu TNXP Nguyễn Thị Siêm (phường 8, TP Tuy Hòa), Thái Thị Huế, Nguyễn Thị Tạm ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh). Và chuyện đối mặt với mưa bom bão đạn nơi chiến trường, với cả nỗi niềm rất đời thường của người con gái lại ùa về trong ký ức của mỗi cựu TNXP…

 

Bà Siêm xem lại những hình ảnh chụp cùng đồng đội. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

“Hồi ấy không chỉ quê tôi, mà thanh niên ở các địa phương khác cũng đều hừng hực khí thế ra trận với quyết tâm lớn. Nhiều chị chưa đủ tuổi đã phải “khai man” để đủ tiêu chuẩn được ra chiến trường”, bà Nguyễn Thị Siêm nhớ lại. Năm 1965, cô gái 18 tuổi Nguyễn Thị Siêm ở xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng viết đơn xin nhập ngũ và được phân công về đơn vị TNXP của Công trường 12A, Trung đoàn 67, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn.

 

Sau đó, bà cùng đơn vị chuyển vào Binh trạm 12, 15 làm nhiệm vụ san lấp hố bom, tu sửa và khai thông tuyến đường 15A. Đây cũng là một đoạn giao thông quan trọng của đường Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam. Suốt 7 năm làm nhiệm vụ trên các tuyến đường Trường Sơn, bà Siêm đã trải qua nhiều nỗi sợ như rết, rắn cắn, muỗi rừng đốt, bệnh sốt rét… cho đến nhiều lần suýt chết vì bom đạn và chứng kiến bao đồng đội của mình hy sinh.

 

Bà còn nhớ như in cả đội may mắn thoát chết khi đi qua ngầm Khe Tang: “Hôm ấy, chúng tôi đang đi đến đoạn đường 15 để san lấp hố bom, khi chuẩn bị qua ngầm Khe Tang (tỉnh Quảng Trị) thì phát hiện có nguồn nước từ thượng nguồn đổ xuống nên dừng lại. Chỉ trong vòng 3 phút, dòng thác ầm ầm đổ xuống cuốn trôi chiếc xe tải chở hàng đang đi qua trước mắt, chúng tôi đứng nhìn mà bất lực. Sau đó cả đội đành phải quay về đơn vị”.

 

Hầu hết các đoàn quân vào tiền phương trong thời gian này đều phải hành quân vào ban đêm, có những đoạn đường khó đi vì bị lún, xe chết máy… Lực lượng TNXP luôn có mặt ứng phó kịp thời để đoàn xe đi qua an toàn. Vì vậy, có khẩu hiệu: “Mưa to thì coi như mưa nhỏ, mưa nhỏ thì coi như không mưa. Nắng cũng làm, mưa cũng làm, ban ngày cũng làm, ban đêm cũng làm”. “Một lần đang phát cây rừng, thấy một con rắn to thò đầu từ trên cây xuống, tôi nhanh tay dùng dao chặt đứt. Khi về đơn vị, nghe tôi kể lại, đồng chí đại đội trưởng phê bình lần sau đừng làm vậy vì rất nguy hiểm”, bà Siêm cười tươi kể lại.

 

Còn bà Thái Thị Huế (sinh năm 1952, quê ở Sơn Mai, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) năm 1971 tình nguyện nhập ngũ vào đội cơ động TNXP của đơn vị C24, P18, Tổng đội 55. Ở khu vực ngã ba Đồng Lộc rất ác liệt, địch thả bom liên tục ngày cũng như đêm.

 

Ba năm làm nhiệm vụ trên đoạn đường này, bà nhiều lần suýt chết: “Tháng 6/1971. Tối hôm đó, chúng tôi đang san lấp hố bom thì máy bay địch bất ngờ xuất hiện, thả hàng loạt bom, có khoảng 4-5 chị em chưa kịp chạy nên hy sinh tại chỗ. Lúc đó, tôi vội chạy xuống giao thông hào gần bên nên thoát chết. Còn lần thứ hai cũng đang lúc làm nhiệm vụ, địch mới thả pháo sáng, chúng tôi kịp chạy núp dưới hố nên không có ai bị thương. Lần thứ 3, tổ tôi có 15 người đang kéo cát khai thông cho phà ở bến Thủy (TP Vinh) chở xe hàng chi viện vào chiến trường thì bị địch phát hiện thả bom. Tất cả nằm rạp trên sàn phà nên thoát chết. Riêng đồng chí Cao Mạnh Thể (quê Hà Tĩnh) đứng trước mũi phà đã hy sinh”.

 

Cũng hừng hực khí thế ra trận như bà Siêm, bà Huế, nhờ khai tăng tuổi, độn thêm để tăng ký nên bà Nguyễn Thị Tạm (quê ở Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đủ tiêu chuẩn được vào chiến trường. Năm 1972, bà gia nhập đơn vị TNXP C2, N295, P3. Vào đến Nghệ An, nghỉ ngơi được 3 ngày, bà cùng đơn vị tiếp tục hành quân (đi bộ) đến Quảng Bình làm nhiệm vụ san lấp hố bom, khai thông các tuyến đường trên địa bàn Cam Thủy, Hưng Thủy, Lệ Thủy phục vụ xe chở hàng chi viện chiến trường miền Nam.

 

“Ngày nào địch cũng thả bom, hết quả này đến quả kia, có khi rơi ngay trước cửa hầm. Nhờ đội công binh đến tháo ngòi nổ kịp thời, nếu không là bay cả hầm”, bà Tạm nhớ lại. “Địch còn thả tiền, bánh kẹo để mình ra lượm rồi bắt sống. Có lần, chúng tôi đang cuốc đất đổ đường thì vấp phải quả bom còn sót, nó nổ tung làm một đồng chí hy sinh tại chỗ và một đồng chí bị thương. Cứ sau mỗi trận bom, chúng tôi tập hợp kiểm tra ai còn, ai mất rồi tiếp tục làm nhiệm vụ”.

 

Bà Huế (trái) và bà Tạm. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

 

Đời sống vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng các binh trạm luôn tràn ngập tiếng cười của những thiếu nữ hồn nhiên trong trắng. Chị em TNXP luôn yêu thương gắn bó, chia sẻ từng miếng cơm, củ khoai, củ chuối, cùng nhau bám hầm, bám địa điểm, luôn bảo đảm đường thông suốt cho bộ đội hành quân và vận chuyển hàng hóa ra chiến trường.

 

 

Nhớ về những năm tháng hào hùng đã qua, bà Siêm, bà Huế, bà Tạm đều cho rằng mình may mắn hơn bao đồng đội đã ngã xuống, hiến dâng cả cuộc đời cho Trường Sơn và Tổ quốc thân yêu. Vì thế, phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của đồng chí, đồng bào, xứng đáng với tuổi thanh xuân đã đồng hành cùng cuộc kháng chiến của dân tộc.

 

 

Về với đời thường

 

Sau gần 10 năm tham gia san lấp hố bom, mở đường Trường Sơn, năm 1973, bà Siêm chuyển vào phục vụ đoạn đường đầu cây số 13 của đường 20 - Quyết Thắng, đến cuối năm 1974 về công tác tại Ban Xây dựng 67 (thuộc Bộ Giao thông) tại Vĩnh Mốc, Vĩnh Linh. Trưa 30/4/1975, bà cùng đơn vị có mặt ở Đông Hà (Quảng Trị) đón tin vui Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

 

Đến năm 1977, bà cùng đơn vị tham gia xây dựng bờ kè Sơn Thủy (Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đến năm 1978 chuyển vào huyện Đại Lộc, Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó, bà được điều đi học tại Trường trung cấp Kế toán Quảng Bình rồi về làm tại Công ty Kiến trúc, thuộc Ban Xây dựng 67 (Bộ GT-VT), đến năm 1982 công tác tại Công ty Đường bộ 502 (Phú Yên) và về hưu năm 1994. Lúc này, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, bà và chồng bươn chải làm đủ việc để lo cho các con ăn học.

 

Ba năm phục vụ mở đường Trường Sơn, bà Huế cùng đơn vị tiếp tục chuyển đến đường 8 Trường Sơn trên tuyến biên giới Việt - Lào cho đến ngày giải phóng đất nước mới trở về quê, lập gia đình. Năm 1989, gia đình bà chuyển vào thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh sinh sống cho đến nay. Bà Huế cho biết: “Lúc gia đình tôi chuyển vào đây, thị trấn Hai Riêng mới thành lập được 5 năm, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Nhà không có, đất cũng không nên vợ chồng tôi phải làm thuê đủ việc để nuôi các con ăn học. Song trời cũng không phụ lòng người cần cù, chịu khó. Mua được 4,5ha đất rừng, vợ chồng ngày đêm tăng gia sản xuất cho đến hôm nay con cái đều thành đạt. Mừng lắm!”.

 

Về phần bà Tạm, sau ngày đất nước thống nhất, bà cũng trở lại quê nhà, lập gia đình. Năm 1996, cả gia đình bà chuyển vào thị trấn Hai Riêng theo diện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Bây giờ, con cái đều có gia đình riêng ổn định, bà tiếp tục với công tác hội ở địa phương với vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Hai Riêng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Sông Hinh và tỉnh Phú Yên.

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp