Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Ký ức của một cựu binh chỉ huy tên lửa phòng không

Thứ bảy - 25/04/2020 01:57
Trong suốt 22 năm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đại tá Nguyễn Chí Phin tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Át lăng, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Tây Nguyên,...
Ký ức của một cựu binh chỉ huy tên lửa phòng không

Trong suốt 22 năm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đại tá Nguyễn Chí Phin tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Át lăng, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa... Ông cũng là người trực tiếp chỉ huy một tiểu đoàn tên lửa phòng không (TLPK) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975.

 

45 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước nhưng trong tâm trí của đại tá Nguyễn Chí Phin, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn TLPK 378, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng kháng chiến hào hùng, đặc biệt là giờ phút tiến về Sài Gòn, quét sạch giặc thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Vinh dự được gặp Bác Hồ

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), năm 1953, khi vừa bước qua tuổi 15, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Chí Phin nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 84 (sau này là 584) đóng quân ở phía nam Tây Nguyên. Cũng trong năm 1953, thực dân Pháp mở cuộc hành quân Át-lăng đánh chiếm vùng tự do ở Phú Yên. Nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của quân và dân ta là tập trung lực lượng củng cố căn cứ địa, bảo vệ vùng tự do chống địch càn quét, lấn chiếm. Trung đoàn 84 nhận nhiệm vụ chặn đánh địch tại các cứ điểm Củng Sơn, Cà Lúi, Trà Kê (Sơn Hòa) xuống đường 7 (khu vực Cheo Reo), Bà Lá.

 

Trong ngôi nhà nhỏ tại 24/275 Lê Duẩn (phường 7, TP Tuy Hòa), ông Phin kể: “Tối 29/4/1954, lúc đang xung phong đánh cửa mở tại cứ điểm Hoanh Châm (thuộc khu vực Cheo Reo), tôi bị thương nặng nên phải nằm lại phía sau. Sau đó, tôi tìm ra bờ suối uống nước, vì kiệt sức nên thiếp đi. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã lạc đơn vị. Tôi cứ đi, có lúc phải bò dọc theo bờ suối suốt 2 ngày, đến đoạn Trảy Rộng, Bãi Rồng thì gặp anh em trinh sát đưa tôi vượt qua sông Ba về Cà Lúi, rồi đưa vào Phân viện Bệnh viện Điều dưỡng Quân khu 5 điều trị. Sau này, nghe các đồng đội kể lại, khi cho người quay trở lại tìm nhưng không thấy, nghĩ rằng tôi đã hy sinh nên sáng hôm sau, đơn vị đã tổ chức làm lễ truy điệu cho tôi”.

 

Tháng 12/1954, ông Phin tập kết ra miền Bắc được biên chế vào Trung đoàn 90 thuộc Sư đoàn 350 làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra, huấn luyện, bảo vệ thủ đô và kiêm nhiệm giáo viên dạy bổ túc văn hóa cho các anh em trong đơn vị (ông Phin từng là học sinh lớp 6 Trường Lương Văn Chánh - PV).

 

Năm 1958, ông Phin học văn hóa tại Trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn, được phong hàm trung sĩ, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông Phin nhớ lại: “Sáng hôm ấy, chúng tôi có mặt rất sớm tại địa điểm đón Bác. Sau khi nghe Bác nói chuyện, Bác bảo các cháu ở miền Nam đứng dậy! Khi chúng tôi đứng lên thì Bác bảo không đông lắm. Bác Hồ nói: “Các cháu sẽ là lực lượng nòng cốt sử dụng binh khí kỹ thuật hiện đại cho công cuộc giải phóng miền Nam”. Rồi Bác hỏi chúng tôi các cháu có lạnh lắm không để Bác nói với hiệu trưởng nhà trường làm thêm cho cái chăn rạ (chăn được làm bằng rơm rạ lót dưới nằm cho ấm).

 

 

Ông Nguyễn Chí Phin năm 1958. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trở thành sĩ quan điều khiển tên lửa

 

Tháng 10/1960, ông Phin được cử đi học ngành Vô tuyến điện 5 năm tại Học viện Quân sự Trùng Khánh (Trung Quốc). Khi vừa tốt nghiệp, chuẩn bị về nước thì ông nhận lệnh qua Liên Xô nhận khí tài (tên lửa). Cũng kể từ đây (sau khi trở về Tổ quốc), ông Phin trở thành sĩ quan điều khiển tên lửa của Tiểu đoàn 83, Trung đoàn 238 Quân chủng PK-KQ.

 

Tháng 4/1966, Trung đoàn 238 nhận lệnh của cấp trên cơ động vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) nghiên cứu cách đánh B52. Trải qua nhiều gian nan, thử thách khốc liệt, phải hy sinh cả xương máu, đến đầu năm 1967, đơn vị của ông mới đặt chân tới đất lửa Vĩnh Linh. Lúc đó, cường độ hoạt động của máy bay B52 ở chiến tuyến này tăng lên; nhiệm vụ nghiên cứu cách đánh máy bay B52 của đơn vị rất cấp bách. Ngày 30/4/1967, đơn vị bị địch pháo kích trúng vào trận địa, một đồng chí hy sinh nhưng rất may là vị trí đặt hệ thống điều khiển tên lửa vẫn an toàn.

 

Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, ông Phin là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 83 (Trung đoàn 238). “Do yêu cầu đánh tiêu diệt máy bay địch để giải tỏa hàng ngàn chiếc xe chở hàng viện trợ miền Nam bị địch khống chế trên đường 16K (tây Quảng Trị - Quảng Bình), tôi được giao nhiệm vụ thay thế sĩ quan điều khiển tên lửa trực tiếp phóng tên lửa tiêu diệt 1 chiếc C130, 1 trực thăng UH1 của Mỹ. Trận đánh này rất ác liệt, nhiều đồng đội của ta hy sinh, còn quân địch cũng bị tổn thất nhiều về người và binh khí”, ông Phin nhớ lại.

 

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh

 

Sau khi kết thúc Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ông Phin được cử đi học bổ túc cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn tại Trường PK-KQ (Sơn Tây, Hà Nội). Tốt nghiệp, ông được giữ lại làm giáo viên dạy xạ kích tên lửa và cùng giáo viên của trường đi huấn luyện các kíp chiến đấu ở các tiểu đoàn tên lửa; đi đánh B52 của địch trên quê hương Bác. Đến cuối năm 1972, ông được điều động, nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tại Sở chỉ huy Hà Nội, chiến đấu suốt 12 ngày đêm, bắn rơi nhiều máy bay B52 của Mỹ. Kết thúc chiến dịch, ông được tặng Huy hiệu “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”.

 

“Tháng 12/1974, đơn vị của chúng tôi nhận nhiệm vụ thần tốc, bí mật hành quân vào Tây Nguyên”, ông Phin nhớ lại. Đầu tháng 3/1975, toàn bộ trung đoàn có mặt tại Sa Thầy (Kon Tum), triển khai đánh địch giải phóng Buôn Ma Thuột, rồi tiếp tục hành quân vào Nam theo đường 14. Theo phương án ban đầu, Tiểu đoàn 41 sẽ triển khai chiến đấu tên lửa ở Đồng Xoài, nhưng khi đến nơi thì đơn vị nhận lệnh vượt qua sông Bé về Lái Thiêu (Bình Dương). Đêm 29/4, đơn vị nhận lệnh triển khai đánh địch vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng sau đó nhận lệnh triển khai đánh ra sân bay Biên Hòa và ở cầu Sài Gòn, xa lộ. Trưa 30/4, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị tham gia làm nhiệm vụ tiếp quản.

 

Tháng 7/1975, ông Phin được điều về Ban Huấn luyện của Sư đoàn 367 Tân Sơn Nhất. Ông đã tham gia huấn luyện tên lửa phục vụ Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tại Xa Mát (Tây Ninh). Sau khi Campuchia được giải phóng, thoát khỏi họa diệt chủng của Khơ Me Đỏ, cuối năm 1979, ông được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Trung đoàn TLPK 285 và cùng đơn vị tiếp tục tham gia Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

 

Tháng 4/1980, bộ đội tên lửa được viện trợ khí tài tên lửa mới (tên lửa Volga), ông Phin được điều về Trung đoàn 255 (Trung đoàn tên lửa Volga thứ 2) đảm nhiệm chức vụ Trung đoàn phó - Chủ nhiệm kỹ thuật trung đoàn. Tháng 10/1980, Lữ đoàn tên lửa PK-KQ được thành lập làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa và bảo vệ khu căn cứ chiến đấu Việt - Xô, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng cho đến khi nghỉ hưu.

 

45 năm sống trong thời bình, đại tá Nguyễn Chí Phin vẫn không thể nào quên những ngày cùng đồng đội chiến đấu từ Bắc vào Nam. “Tôi luôn tự hào vì đã đóng góp một phần xương máu cho chiến thắng chung của cả dân tộc, nhất là được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi cảm thấy mình may mắn vì trải qua nhiều trận đánh ác liệt song vẫn có ngày được sống bên người thân trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc, trong khi nhiều đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, ngay trước giờ chiến thắng khi tuổi đời còn rất trẻ, đến bây giờ có người vẫn còn nằm đâu đó chưa trở về được với gia đình”, ông nói.

 

KHÔI NGUYÊN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp