Đình Phú Lộc và các sắc phong Hán Nôm cổ giá trị

Thứ bảy - 21/05/2022 23:23
Phú Lộc là một làng cổ ven dòng sông Ba thuộc tổng Hòa Bình, phủ Tuy Hòa, nay là thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Cư dân nơi đây đã sớm xây dựng ngôi đình để làm nơi tế tự và sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, trong đó tín ngưỡng về các vị thần liên quan đến đất đai, sông nước được chú trọng.

Phú Lộc là một làng cổ ven dòng sông Ba thuộc tổng Hòa Bình, phủ Tuy Hòa, nay là thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Cư dân nơi đây đã sớm xây dựng ngôi đình để làm nơi tế tự và sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, trong đó tín ngưỡng về các vị thần liên quan đến đất đai, sông nước được chú trọng.

 

Trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của một làng cổ

 

Theo địa bạ triều Nguyễn, làng Phú Lộc lúc trước có tên là Phú Lộc xã, có giới cận: đông giáp thôn Đại An (nay là thôn Vĩnh Phú), tây giáp xã Phong Đăng (nay là thôn Phong Niên), bắc giáp xã Phú Lộc Tây Giáp (nay là thôn Mỹ Thành), phía nam giáp sông Ba. Đến năm 1832 đổi tên là xã Phú Lộc, thuộc tổng Hòa Bình. Năm 1946 thuộc xã Tân Tiến rồi xã Hòa Thắng, huyện Tuy Hòa 2. Sau năm 1975, Phú Lộc thuộc xã Hòa Thắng cho đến nay. Người dân ở đây sống bằng nghề nông là chủ yếu. Bên cạnh việc đồng áng, người dân còn xây dựng các thiết chế đình, lẫm, miếu làng để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần. Đây là vùng giáp sông Ba, nên tín ngưỡng thờ thần sông, thờ thủy thần Hà Bá chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong làng.

 

Theo lời kể lại của các bậc cao niên, đình Phú Lộc được xây dựng cách đây trên 100 năm, trên một vùng đất cao ráo, thông thoáng, nằm kế bên chùa tổ Long Khánh. Buổi đầu mới dựng là ngôi nhà bằng tranh tre lá mái. Về sau đình được Nhân dân quyên góp kinh phí xây dựng khang trang với tường gạch, mái ngói. Trong thời gian diễn ra hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc từ năm 1945-1975, đình bị hư hỏng, nên việc tế tự có lúc gián đoạn. Năm 2000, chính quyền và người dân địa phương tổ chức trùng tu, tôn tạo theo kiến trúc của đình làng nông thôn ở Phú Yên: trước án tiền có bức bình phong khắc hình lân, trên mái ngói là cặp rồng theo thế lưỡng long chầu nguyệt, đặc biệt là 2 trụ biểu có điêu khắc họa tiết rồng phụng - di tích của ngôi đình cổ còn sót lại, làm gia tăng sự cổ kính cho ngôi đình. Tại điện thờ chính của đình có bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, Táo quân, Thổ địa và các câu đối Hán Nôm trước mặt tiền có nội dung phản ánh tín ngưỡng thờ cúng của làng đối với các vị thần, các tiền hiền có công khai khẩn, mở mang, xây dựng làng.

 

Sắc hợp phong thần Hà Bá và Thổ Địa năm Tự Đức thứ 33 (1880)

 

Các sắc phong công nhận tín ngưỡng

 

Năm 1852, vua Tự Đức theo lời thỉnh cầu của chính quyền địa phương đã ban cấp 2 sắc phong thần Thổ Địa và thần Hà Bá cho làng Phú Lộc. Sắc phong ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852) cho thần Hà Bá ghi rõ: “Sắc cho tôn thần Thủy Quan Hà Bá nguyên tặng Hoằng ân Quản trạch Hoằng bác Linh tịnh Trung đẳng thần hộ nước giúp dân, có nhiều linh ứng. Đến nay vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn thần, có thể gia tặng Hoằng ân Quản trạch Hoằng bác Linh tịnh Uông nhuận Trung đẳng thần. Vẫn chuẩn cho xã Phú Lộc, huyện Tuy Hòa thờ phụng như cũ. Thần hãy che chở, giúp đỡ cho dân đen của ta”. Sắc ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852) chép rõ lý do gia phong thần Thổ Địa cho làng Phú Lộc: “Sắc cho thần Thổ Địa Hậu tế, Quản thi, Bác huệ hộ nước giúp dân, có nhiều linh ứng. Đến nay vâng mệnh lớn, nghĩ đến ơn thần, có thể gia tặng thần Hậu tế Quảng thi, Bác huệ, Đôn ngưng. Vẫn chuẩn cho xã Phú Lộc, huyện Tuy Hòa thờ phụng như cũ. Thần hãy che chở, giúp đỡ cho dân đen của ta. Kính thay”.

 

Các năm tiếp theo (năm 1880, năm 1887, năm 1909), triều đình nhà Nguyễn tiếp tục gia phong thần Hà Bá và Thổ Địa với 3 sắc phong công nhận tín ngưỡng của cư dân vùng đất này. Sắc hợp phong năm 1880 cho thần Hà Bá và Thổ Địa nhân dịp vua Tự Đức tròn 50 tuổi với các mỹ tự là Hà Bá Hoằng ân, Quảng trạch, Hoằng bác, Linh tịnh, Uông nhuận và thần Thổ Địa Hậu tế, Quảng thi, Bác huệ, Đôn ngưng. Sắc phong năm 1887 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 cho thần Hà Bá và Thổ Địa với mỹ tự là Dực Bảo Trung Hưng. Sắc phong năm 1909 niên hiệu vua Duy Tân thứ 3 cho thần Hà Bá và Thổ Địa với phẩm trật là Trung đẳng thần.

 

Hiện nay, hệ thống 5 sắc phong của đình làng được thờ tự tại lẫm làng Phú Lộc cách ngôi đình không xa. Hàng năm vào xuân kỳ thu tế, làng tổ chức tế tự và rước sắc về đình làng với đầy đủ nghi thức cổ truyền. Mùa xuân tế tự vào ngày mùng 2 tháng 2 (âm lịch), mùa thu tiến hành tế tự vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch). Những dịp tế tự là thời gian bà con trong làng tụ họp ôn lại những truyền thống tốt đẹp đã duy trì tại làng qua hàng trăm năm, đồng thời phản ánh nguyện vọng, mong muốn cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu cho mọi gia đình. Trong những năm chiến tranh, hệ thống sắc phong của đình làng Phú Lộc gồm 5 điệu sắc được hòa thượng chùa Long Khánh Thích Tâm Quảng đưa về cất giữ tại chùa nên tránh được trận ném bom vào năm 1965 làm cho đình bị hư hại. Ngày nay, các sắc phong được thờ tự tại lẫm làng Phú Lộc còn nguyên vẹn, mặt sắc vẫn ánh lên màu vàng tươi, chữ viết còn sắc nét mặc dù trải qua gần 200 năm với bao biến cố thăng trầm của thời cuộc.

 

Có thể nói, đình làng Phú Lộc với kiến trúc theo lối cổ truyền cùng với hệ thống sắc phong và tín ngưỡng của cư dân được duy trì cho đến nay là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của một làng cổ bên dòng sông Ba. Việc nghiên cứu, tìm hiểu các sắc phong Hán Nôm cổ tại ngôi đình này sẽ góp phần làm sáng rõ đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa của vùng đồng bằng Tuy Hòa trong tiến trình lịch sử.

 

Việc nghiên cứu, tìm hiểu các sắc phong Hán Nôm cổ tại đình Phú Lộc sẽ góp phần làm sáng rõ đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa của vùng đồng bằng Tuy Hòa trong tiến trình lịch sử.

 

TS ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp