Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Dấu ấn Trường Sa

Thứ năm - 08/10/2020 00:01
Trong hơn 25 năm gắn bó nghề báo, tôi vinh dự và may mắn đã ba lần được đến với Trường Sa và những người lính đảo thân yêu. Trong đó, hai lần được đặt chân lên các đảo xa bờ, một lần đến với các đảo gần bờ và Nhà giàn DK1.
Dấu ấn Trường Sa

Trong hơn 25 năm gắn bó nghề báo, tôi vinh dự và may mắn đã ba lần được đến với Trường Sa và những người lính đảo thân yêu. Trong đó, hai lần được đặt chân lên các đảo xa bờ, một lần đến với các đảo gần bờ và Nhà giàn DK1.

 

Phải nói rằng, đã làm nghề báo, hẳn ai cũng mơ ước được một lần trong đời ra Trường Sa tác nghiệp. Đơn giản bởi ở nơi ngàn trùng giữa biển khơi ấy thực sự là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, vô tận đối với mỗi người làm báo. Đặc biệt hơn, nếu đến với Trường Sa vào những tháng cuối năm, tác nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ để lại trong mỗi phóng viên những ký ức khó phai mờ.

 

Gian nan, nguy hiểm…

 

Lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa là tháng 4/2007, xuất phát từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và lên lại bờ tại cảng Ba Son (TP Hồ Chí Minh). Trưởng đoàn lúc ấy là trung tướng Bùi Văn Huấn, Phó Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Phó Trưởng đoàn là chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân. Cả đoàn có khoảng hơn 200 người, bao gồm cả quân dân chính đảng, đến thăm gần mười điểm đảo và Nhà giàn DK1 (nằm ở thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

 

Người xưa nói “tháng ba bà già đi biển”. “Tháng ba” trong câu nói này là tháng ba âm lịch, trùng với tháng 4 dương lịch. Đây là tháng sóng yên, biển lặng nhất trong năm. Tàu HQ-996 có nhiệm vụ chở đoàn đi. Cảm giác khi bước chân lên con tàu này để rồi được đến với Trường Sa thật khó tả. Đây là tàu chuyên dùng của hải quân, có 3 tầng với 196 giường nằm dành cho khách.

 

Ngoài ra, ở tầng trên còn có 9 phòng VIP dành cho cán bộ cấp cao. Tàu HQ-996 có lượng giãn nước 2.050 tấn, có hai máy (chính và phụ) với mã lực tương đương một đầu máy xe lửa. Tàu có thể phục vụ tốt cho 200 khách suốt hải trình 10-15 ngày. Nếu chở bộ đội thì có thể lên đến 350 người.

 

Sau hai đêm một ngày rạo rực với biển khơi, mặc dù là mùa biển êm, nhưng vẫn có không ít người bị say sóng. Nhưng khi Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) hiện lên trong ánh bình minh, mọi người trên tàu đều ùa lên boong, không ai còn có cảm giác say sóng nữa. Tất cả cùng hướng về hòn đảo nổi lên giữa đại dương mênh mông, nơi đã có sẵn đội hình những người lính đảo thức dậy từ rất sớm để chào đón những người ruột thịt từ đất liền ra thăm.

 

Lần thứ hai tôi đến với những người lính canh trời, giữ đảo là tháng 12/2014. Lần này chỉ đến với các đảo ven bờ từ Bình Ba (Cam Ranh - Khánh Hòa) đến Phú Quý (Bình Thuận). Ai cũng nghĩ rằng đến với các đảo gần bờ sẽ ít khó khăn hơn các đảo xa bờ, nhưng không. Tháng Chạp đang còn là mùa biển động. Con tàu chở đoàn đi chuyến này chỉ ở mức trung bình, không có giường nằm riêng như tàu HQ-996 và những con tàu lớn chuyên dùng để chở khách.

 

Mặt khác, vì đi dọc theo bờ biển, để tránh bị sóng đánh trực diện vào mạn dễ bị lật tàu, tài công phải khéo léo cắt sóng, đi đường vòng nên… tuy gần mà xa, rất nhiều người bị say sóng, mệt nhừ. Đến đảo cuối cùng là Phú Quý, vì bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sóng to gió lớn, tàu không thể bảo đảm an toàn để đưa đoàn về lại Cam Ranh nên phải “tạm trú” trên đảo này đến cả tuần.

 

Khi từ Phú Quý về lại cảng Cam Ranh phải mất ròng rã hơn 24 tiếng. Suốt thời gian ấy, trừ kíp tàu và một số sĩ quan hải quân từng trải với sóng gió, còn tất cả các thành viên trên tàu không ai có thể ngồi dậy để ăn nổi miếng cơm, lương khô hay mì ăn liền.

 

Đến với Nhà giàn DK1. Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Gần đây nhất, tôi ra thăm lại Trường Sa là vào dịp cuối năm 2018, đang trong mùa biển động. Đây cũng là chuyến đi dài ngày nhất -21 ngày để đến năm đảo cũng chỉ vì thời tiết khắc nghiệt, sóng to, gió lớn. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, biển động dữ dội nên mỗi lần để các phóng viên với đồ nghề tác nghiệp lỉnh kỉnh lên xuống xuồng vô đảo, trưởng đoàn phải cân nhắc rất kỹ mới quyết định. Có khi chỉ một nửa hoặc phần ba số phóng viên được đi. Chỉ khi bảo đảm an toàn tuyệt đối, tất cả mới cùng vào đảo.

 

Khác với trên đất liền, phóng viên ra đảo tác nghiệp trên các đảo ở Trường Sa đều được trang bị dép nhựa có quai (giày rọ), bao ni lông chuyên dùng để đựng máy ảnh, máy quay và mũ cối bộ đội. Vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sóng gió, hơi biển mặn, bên cạnh việc phải chống chọi với những cơn say sóng, nhất là vào dịp cuối năm biển động, có khi sóng biển cao đến 5-6m sau một hải trình dài, việc quan trọng nhất đối với mỗi phóng viên là phải lo bảo quản thiết bị hành nghề như máy ảnh, máy ghi âm, camera... bởi nếu sơ ý để nước biển chui vào sẽ không hoạt động được.

 

Vậy nên, muốn an toàn, các thiết bị tác nghiệp phải luôn được bọc kín bằng nhiều lớp ni lông. Còn khi tác nghiệp trên tàu, trên xuồng cũng phải lanh tay lẹ mắt che chắn các thiết bị sao cho nước biển không bắn vào.

 

Sự gian nan với các nhà báo ra tác nghiệp ở Trường Sa còn ở chỗ, trong số các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa chỉ duy nhất đảo Trường Sa Lớn là tàu có thể cập mạn khi sóng nhỏ, biển êm; với các đảo ven bờ chỉ có đảo Phú Quý, còn lại để di chuyển lên những đảo khác, buộc phải “tăng bo” bằng xuồng. Mà không phải lúc nào xuồng cũng vào được tận nơi, nếu thủy triều xuống thấp. Ngay việc lên xuống xuống thôi cũng rất gian nan và đầy thử thách.

 

Sóng nhồi như giã gạo, dù trên tàu và dưới xuồng đều có các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm đón đỡ từng người, nhưng để xuống được xuồng cũng không phải dễ, nhất là lần đầu tiên. Phải tận dụng thời khắc ngắn ngủi giữa hai ngọn sóng để xuống thật nhanh và phải đặt chân đúng chỗ mới tránh bị kẹp giữa thành xuồng và mạn tàu. Sóng lớn, xuồng lắc lư, sóng bổ quá đầu, chỉ ngồi với tay không đã nguy hiểm, huống hồ cánh nhà báo luôn lỉnh kỉnh đồ nghề phục vụ tác nghiệp.

 

Ấn tượng không phai

 

Ấn tượng sâu sắc nhất, không thể nào phai trong tôi sau những lần đến với Trường Sa và những người lính đảo, đó là được tận mắt nhìn thấy và tự tay sờ vào những cột mốc chủ quyền Tổ quốc thân yêu ở nơi phên dậu biên cương mà hàng ngàn năm qua ông cha ta đã đổ máu xương để dựng xây và gìn giữ.

 

Đó là, được sự tiếp đón nồng hậu, ấm áp, chân tình của các chiến sĩ hải quân, phòng không - không quân… và người dân trên đảo; được ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm, uống chung nguồn nước mưa ngọt mát. Đó là, được cùng hát và hát cho những người lính đảo nghe những bài ca về họ sống cùng năm tháng, như Gần lắm Trường Sa, Nơi đảo xa…

 

Ấn tượng sâu sắc nhất, không thể nào phai trong tôi sau những lần đến với Trường Sa và những người lính đảo, đó là được tận mắt nhìn thấy và tự tay sờ vào những cột mốc chủ quyền Tổ quốc thân yêu ở nơi phên dậu biên cương mà hàng ngàn năm qua ông cha ta đã đổ máu xương để dựng xây và gìn giữ.

 

Đó là, được ngồi dưới bóng mát của những cây bàng vuông cổ thụ, những Cây di sản đã hàng trăm năm tuổi. Đó là, được chào cờ và hát Quốc ca ngay bên chân sóng ở giữa đại dương bao la. Đó là, được tận tay thắp nén nhang lên những phần mộ liệt sĩ ở đảo Trường Sa Đông, Nam Yết…; được dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

 

Dù thời gian tác nghiệp trên mỗi đảo thường chỉ kéo dài vài tiếng (riêng các đảo cấp 1 thì có thể ở qua đêm) nên phóng viên thường chia nhau ra thành từng nhóm, phân ra từng khu vực để tác nghiệp. Ai cũng tận dụng tối đa quãng thời gian ngắn ngủi trên đảo để lắng nghe, ghi chép lại những câu chuyện đầy xúc động nơi đầu sóng, cố gắng không bỏ sót một hoạt động nào, nhất là những khoảnh khắc không thể có được lần thứ hai của những người lính đảo.

 

Sẽ khó nói hết chuyện gian nan, niềm hạnh phúc khi tác nghiệp ở Trường Sa - nơi mà bất cứ người làm báo nào cũng mơ ước, ít nhất là được một lần đến đây để tác nghiệp. Dẫu biết rằng đến với Trường Sa, với những người lính đảo là đầy gian nan, thử thách, trước tiên là cần có sức khỏe tốt, chịu được sóng gió bất thường. Mặc dù vậy, giờ đây tuy đã U60 nhưng nếu như có dịp, tôi vẫn mong muốn được ra Trường Sa tác nghiệp thêm nhiều lần nữa.

 

XUÂN HIẾU

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp