Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Dấu ấn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2010-2015)

Thứ tư - 20/03/2019 01:02
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV được tổ chức tại Nhà văn hóa Diên Hồng, TP Tuy Hòa từ ngày 14-17/9/2010 với sự tham dự của 330 đại biểu đại diện hơn 29.260 đảng viên.
Dấu ấn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2010-2015)

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV được tổ chức tại Nhà văn hóa Diên Hồng, TP Tuy Hòa từ ngày 14-17/9/2010 với sự tham dự của 330 đại biểu đại diện hơn 29.260 đảng viên.

 

Tham dự đại hội còn có các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Tỉnh ủy viên các khóa; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; đại diện các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đơn vị và cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động. Đến dự đại hội còn có các đồng chí lãnh đạo của 3 tỉnh bạn Khánh Hòa, Bình Định và Gia Lai. Về dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đồng chí đại diện các ban của Trung ương Đảng.

 

 

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV có nhiệm vụ: kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua, khẳng định những thành tựu, ưu điểm, phân tích nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém và những bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho toàn Đảng bộ trong 5 năm nhiệm kỳ XV (2010-2015).

 

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đánh giá toàn diện, cụ thể những thành tựu đạt được cũng như các mặt tồn tại, khuyết điểm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

 

Trong lĩnh vực kinh tế: Nền kinh tế tiếp tục có bước tăng trưởng khá, tốc độ GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 12,3%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 15,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến cuối năm 2010, tỉ trọng các ngành trong cơ cấu GDP dự kiến như sau; công nghiệp - xây dựng chiếm 34,9%; dịch vụ chiếm 36,4% nông - lâm - thủy sản chiếm 28,7%.

 

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; mạng lưới trường lớp đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, chất lượng giáo dục ở các cấp học có tiến bộ, cơ sở vật chất, thiết bị trường học được tăng cường; hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ có tiến bộ, chất lượng các đề tài, dự án được nâng lên; giải quyết việc làm mới cho 126.370 lao động, tỉ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 5,5% năm 2005 xuống còn 4,8% năm 2010, tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đến năm 2010 đạt 85%; công tác xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở các địa phương; mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và phát triển, có nhiều cơ sở y tế tư nhân tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình được tăng cường; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được quan tâm; các hoạt động văn hóa, lễ hội phát triển đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng, tính đến năm 2010 ước có 80% số gia đình, 70% thôn, buôn, khu phố và 85% cơ quan được đẩy mạnh; chất lượng báo chí, phát thanh, truyền hình ngày càng được nâng lên.

 

Quốc phòng - an ninh được tăng cường, chú trọng xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các “điểm nóng”, các vụ gây rối được giải quyết cơ bản, kịp thời, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động sâu rộng.

 

Công tác nội chính; tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp trong tỉnh tiếp tục được đổi mới theo chủ trương cải cách tư pháp của Bộ Chính trị. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được phối hợp chặt chẽ, đúng pháp luật. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

 

Công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh - cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng bước đầu hoạt động có kết quả.

 

Về công tác vận động quần chúng; công tác tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cho các tầng lớp nhân dân được tăng cường. Hệ thống tổ chức Mặt trận, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh được củng cố, kiện toàn. Các cuộc vận động xây dựng cơ sở, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, thực hiện dân chủ ở cơ sở, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ xã hội, nhân đạo từ thiện, phối hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân… được đẩy mạnh, đạt kết quả thiết thực.

 

Về xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động của Nhà nước; bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và từng bước đổi mới hoạt động theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của HĐND các cấp ngày càng được cải tiến; chất lượng các kỳ họp, quyết định của HĐND được nâng cao. Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND triển khai nghiêm túc. Hoạt động của UBND các cấp có chuyển biến, năng lực, hiệu quả quản lý được thực hiện đạt kết quả bước đầu.

 

Công tác tổ chức xây dựng Đảng: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tăng cường, đổi mới. Công tác tổ chức, xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ, công tác cán bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới; nhận xét, đánh giá phân loại cán bộ hàng năm được thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, gắn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ, chỉ đạo xử lý cơ bản các vụ việc nổi cộm còn tồn đọng ngay từ đầu nhiệm kỳ và thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của cấp ủy hàng năm.

 

Về những khuyết điểm, yếu kém, báo cáo chính trị nêu rõ: Nền kinh tế có phát triển khá, nhưng quy mô nền kinh tế nhỏ, cơ cấu kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội được đầu tư tăng nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; công tác xóa đói giảm nghèo còn có mặt hạn chế, tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở một số vùng khó khăn có chiều hướng gia tăng; chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân còn thấp, thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu thốn, nhưng chưa được quan tâm; việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh - quốc phòng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; cải cách tư pháp có mặt chưa tập trung, thiếu đồng bộ; công tác điều tra, truy tố, xét xử có mặt còn hạn chế, cải cách thủ tục hành chính hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn xảy ra nhưng giải quyết chưa triệt để; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên một số lĩnh vực còn lúng túng, không kịp thời, một số vụ việc xử lý thiếu chặt chẽ, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị có tiến bộ, nhưng còn chậm; hoạt động của hệ thống chính trị ở một số địa phương, cơ sở còn yếu; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế; chất lượng sinh hoạt một số chi bộ chưa đạt yêu cầu, tự phê bình và phê bình còn yếu, công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ.

 

Từ những việc làm được, chưa được trong nhiệm kỳ 2005-2010, Báo cáo chính trị rút ra 5 bài học kinh nghiệm:

 

Một là, xác định đúng vấn đề trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện tốt các chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc ổn định và phát triển tỉnh nhà.

 

(Còn nữa)

 

PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp